TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 123 CN  03.02.2008

 

SỐ TẤT NIÊN

 

Web site :www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

Chúa Nhật IV Thường Niên

Bài Ca Hạnh Phúc 

NĂM MỚI MỘT TRÁI TIM MỚI 

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2008 CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI 

“Chúa Kitô đã trở nên nghèo khó vì anh em ” ( 2 Cr 8, 9)

Tòa Thánh bổ nhiệm Giám Mục phó cho giáo phận Hồng Kông 

THƯ CHÚC TẾT CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI 

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY 2008 CỦA ĐỨC GIÁM MỤC ĐÀ LẠT 

Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam Mừng Kính Thánh Gioan Bosco - Đấng Sáng Lập Dòng 

Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam có Tân Giám Tỉnh

TOÀ THÁNH GỞI THƯ CHO TGM HÀ NỘI

Ðơn khiếu nại của tòa Tổng Giám Mục Hà Nội về bản tin xuyên tạc sự thật của Ðài Truyền Hình Hà Nội.

“KHI TÔI TRUNG CẦU CỨU ĐẾN TA”...

Bài Giảng Lễ Mừng Thượng Thọ Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng 

Những sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam năm 2007 

LƯƠNG TÂM 

TỤC LỆ NGÀY TẾT VỚI NHÀ ĐẠO 

NĂM MỚI TA GIEO GÌ ? 

NĂM MẬU TÝ  

TẢN MẠN CHUỘT MÁY TÍNH 

TÀI LIỆU TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHAN THIẾT 

BÀI 2: ĐỨC GIÊSU: ĐẤNG TỰ KHIÊM TỰ HẠ

Đêm trừ tịch 

ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLO II, MỘT CON NGƯỜI CẦU NGUYỆN 

SỐNG CHỮ NHÂN 

BÀI I 

YÊU NHƯ THẦY  

SUY NGẪM   

Yêu và dạy con 

“DẤU CHÂN CỦA THẦY”   VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG 

 

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa Nhật IV Thường Niên A

Mt 5, 1-12a

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời". Đó là lời Chúa.

Bài Ca Hạnh Phúc

Từ núi này đến núi kia

Trong Tin Mừng, có hai ngọn núi được nói đến vào giai đoạn đầu và cuối cuộc đời công khai của Ðức Giê-su : Núi các mối phúc và Núi Sọ. Con Người đã bước lên ngọn núi thứ nhất để loan báo các mối phúc thật sẽ phải lên ngọn núi thứ hai để thực hiện điều Người đã rao giảng. Người ta vẫn thường nói một cách đơn giản rằng Bài giảng trên núi là cốt yếu của Ki-tô giáo. Thế nhưng, con người cố gắng thực hiện các mối phúc này trong đời của mình sẽ làm cho người khác tức giận. Bài giảng trên núi không thể tách rời khỏi việc chịu đóng đinh vào thập giá, tương tự như ngày không thể tách rời khỏi đêm. Khi Ðức Giê-su loan báo các mối phúc thật, chính lúc đó, Người cũng kí nhận vào bản án của mình. Những tiếng búa trên Núi Sọ là âm vang của bài giảng về các mối phúc thật. Mỗi người đều khát khao hạnh phúc, nhưng con đường dẫn đến hạnh phúc do Ðức Giê-su đưa ra lại hoàn toàn khác hẳn với con đường của loài người.

Một trong những cách tìm kẻ thù và chống lại người khác, đó là gợi lên tinh thần của trần gian. Trần gian có tinh thần của mình, cũng như mỗi thời đại có tinh thần của mình, Trên nẻo đường trần gian, vẫn có ảnh hưởng của những điều không tính toán được. Người ta biết chắc mình không ngả theo quần chúng khi giảng dạy những điều ngược với sở thích của họ.

Trong Bài giảng các mối phúc thật, Ðức Giê-su đề nghị con người hãy phá huỷ hết những gì họ đang sùng bái, hãy chế ngự bản năng dục tình, đừng để chúng bắt làm nô lệ, hãy điều hoà các lợi lộc kinh tế, không coi đó là nền tảng cho hạnh phúc. Tất cả những điều làm cho con người tưởng rằng hạnh phúc là sự đề cao chính mình, là hưởng thụ ... đều là những mối phúc giả, hay nói đúng hơn, đó là những mối hoạ. Ðức Giê-su loại bỏ những điều đó, bởi vì chúng là đầu mối gây ra sự bất ổn, làm cho con người phải khốn khổ, thất vọng và ưu phiền. Và như vậy, Ðức Giê-su đã kí nhận vào bản án của mình.

Như vậy, các mối phúc thật không phải chỉ là những quan niệm trong tâm trí, nhưng là những chân lí gắn liền với đời sống, với Thập Giá. Qua việc chịu đóng đinh, Ðức Giê-su thực hiện những điều Người đã rao giảng : yêu mến kẻ ghét mình ; sống hoàn toàn trong sạch đang khi bản năng vẫn kêu gào, đòi hỏi ; tha thứ cho những kẻ giết mình ; chiến thắng sự ác bằng cách làm việc lành ; không ngừng công bố về tự do và công chính thực sự . Chân lí không chỉ được loan báo trong bài giảng trên núi, nhưng đã được sống, được thể hiện đến tận cùng qua cái chết trên Thập Giá. Ðức Giê-su không chỉ loan báo các mối phúc thật, nhưng Người còn làm cho các mối phúc đó được thể hiện nơi chính cuộc sống và bản thân cửa mình. Người đã đón nhận, đã ôm lấy Thập Giá, và trở thành nguồn mạch của hạnh phúc chân thật.

Hạnh phúc, hay là sự xâm nhập của Thiên Chúa

Hạnh phúc. Một từ ngữ gợi lên nhiều âm vang. Một từ ngữ được hiểu theo nhiểu cách khác nhau. Một từ ngứ gợi lên khát vọng lớn nhất của con người.

Trong con người, luôn có một điều gì đó vượt khỏi con nguời, hay như kiểu nói của một triết gia, đó là lời mời gọi hướng tới siêu việt Và Ðức Giê-su loan báo cho con người tám mối phúc thật như những cánh cửa mở ra để con người bước vào thế giới ấy, bước vào Vương quốc của Thiên Chúa. Mỗi người sẽ chọn cho mình một con đường, con đường mình ưa thích, con đường phù hợp với mình và mình có thể bước đi trên đó. Tuy vậy, có những điểm cần lưu ý

Trước hết, các mối phúc thật loan báo một thứ hạnh phúc nghịch thường. Ðó không phải là thứ hạnh phúc con người vẫn tìm kiếm và tổ chức, nhưng là hạnh phúc Thiên Chúa muốn ban cho họ. Ðức Giê-su đã đến trần gian để lập lại một thế giới đã bị vỡ nát. Ðó là thế giới của tiền bạc, của quyền lực và chiếm đoạt ; thế giới của gian trá, lừa đảo, bạo lực ; thế giới của ích kỉ và phân rẽ ... Sứ điệp của Ðức Giê-su làm cho con người phải suy nghĩ lại : họ nhận thấy rằng không thể bằng lòng, không thể thoả mãn với những hạnh phúe cỏn con, dễ dàng. Và họ cũng khám phá : chỉ có Thiên Chúa mới làm cho họ thực sự hạnh phúc.

Tuy vậy, hạnh phúc không phải là điểu từ trên trời rơi xuống, nhưng còn là một nỗ lực của con người. Ðành rằng niềm vui của Thiên Chúa là làm cho con người sống hạnh phúc, thế nhưng, vẫn phải có điều kiện là con người phải ra khỏi mình, hoàn toàn quy hướng về Nước Trời và sống những giá trị của Tin Mừng. Hạnh phúc nằm trong tầm tay của con người, họ phải chấp nhận sống như Ðức Giê-su loan báo, tức là tin tưởng vào tính năng động của Lời Chúa. Sứ điệp của Ðức Giê-su vừa là một lời hứa, vừa là một nỗ lực. Chương trình ấy đã được thể hiện nơi mỗi người cách tiệm tiến, hướng đến Hạnh Phúc Vĩnh Cửu.

Ðàng khác, không nên hiểu các mối phúc riêng rẽ. Tất cả đều có liên hệ với nhau cách chặt chẽ. Phải chăng người có lòng trong sạch ngay thẳng lại không được mời gọi sống tinh thần nghèo khó ? Người xây dựng hoà bình có thể làm điều gì khác hơn là sống hiền hoà ? Nghèo khó, thương xót, tha thứ, trong sạch ... tất cả đều là một sự từ bỏ chính mình, là dành chỗ để cho Thiên Chúa đổ tràn tình thương của Người.

Cũng chẳng có một thứ cấp bậc, một thứ biên giới trong các mối phúc. Tất cả đều ăn thông với nhau, trở thành một đại dương bao la. Ðiều cốt yếu là lên đường, là ra khơi, đáp lại một trong những lời mời gọi, lời mời gọi du hành vào trong Nước Thiên Chúa.

Và, các mối phúc không phải là một bản luật, một bản liệt kê những điều cấm kị, một bản kể ra những phần thưởng. Trên núi Xi-nai, Mô-sê đã nhận bản Luật. Còn tại đây, Ðức Giê-su thông ban cho con người bí mật của hạnh phúc.

Có thể dùng một hình ảnh khác để diễn tả : các mối phúc thật giống như một ngôi sao sáng rực trên bầu trời. Một ngôi sao đẹp, hấp dẫn. Một thiên thể trong hệ mặt trời, luôn luôn di chuyển. Ðể đạt tới trung tâm của vì sao, người ta có thể chọn đường này, đường khác, đi từ những ngôi sao khác, nhưng coi chừng, đường thì thật dài.

Sống các mối phúc

Sống các mối phúc, đó không phải là sống an nhàn, thoải mái. Sống các mối phúc, đó không phải là một cuộc sống vô vị, nhàm chán.

Sống các mối phúc, đó là một nỗ lực thường xuyên để Vương quyền của Thiên Chúa được hiện diện ngay từ hôm nay nơi con người, và trước tiên, nơi tâm hồn chúng ta.

Thật là hạnh phúc cho chúng ta, vì trên đường đi, ta có một mục tiêu. Các mối phúc thật không chỉ là một sứ điệp, dù đó là sứ điệp tốt đẹp nhất của nhân loại. Các mối phúc còn là một ai đó, một con người : các mối phúc đã được thể hiện trong chính bản thân Ðức Giê-su. Không thể sống các mối phúc mà không nối kết chúng với cuộc đời của Ðức Giê-su. Chính Người là mối phúc thật: nghèo khó, hiền hoà, trong sạch, xót thương, nhẫn nại. Chính Người đã sống những mối phúc đến tận cùng bằng cuộc sống và cả cái chết. Không thể đạt được hạnh phúc chân thật nếu không có Ðức Giê-su ; cũng chẳng có hạnh phúc nào khác ngoài Ðức Giê-su, Ðấng đã chịu đóng đinh trên Thập Giá.

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay được đọc lên trong những ngày mừng năm mới. Bài Tin Mừng như là lời chúc tốt đẹp nhất của Thiên Chúa gửi đến con người, và của mỗi người gửi cho nhau. Ta có thể sửa đổi đôi chút để áp dụng cho ngày đầu năm :

Chúc mừng năm mới những ai hiền hoà

Một năm hạnh phúc cho anh em

là những người đang phải khóc lóc, ưa phiền

Hạnh phúc cho anh em.

Thiên Chúa không ngừng nói với chúng ta như thế.

Các mối phúc thật là một bài ca hi vọng,

bài ca tràn đầy niềm vui,


đồng thời cũng là một thách đố cần vượt qua.

Hạnh phúc cho anh, cho chị, cho em.\

Hạnh phúc cho tôi,

cho tất cả mọi người hết thảy,

trong ngìly hôm nay,

trong năm mới này,

với sự trợ giúp của Chúa.

Lm. G. Nguyễn Cao Luật, OP

Mục lục

 

 

TU ĐỨC

 

NĂM MỚI MỘT TRÁI TIM MỚI

 

Năm rồi, ngày mồng một tết, tôi mở sách kinh ra, mắt tôi bắt gặp ngay câu "Xin Chúa cho con một trái tim mới." Tôi có cảm tưởng câu trên đúng là một món quà tết Chúa ban cho tôi.

 

Tôi nghĩ rằng khi Chúa gợi ý cho tôi xin Chúa sự gì, thì tôi được phép tin là Chúa muốn ban sự ấy cho tôi. Vì thế, với niềm tin tưởng, tôi đã xin cho tôi và cho những người thuộc về tôi sang năm mới được trái tim mới.

 

Hôm nay, sau 12 tháng, nhìn lại cuộc hành trình trái tim trên quãng đường đời, tôi thấy nơi nhiều người, đúng là có trái tim mới.

 

Tất nhiên, những trái tim mới nói đây vẫn là những trái tim cũ của họ, nhưng nay có những thao thức mới, những hy vọng mới, những vui mừng mới, những giá trị mới. Bởi vì, những trái tim ấy đã biết đón nhận cuộc sống một cách mới mẻ.

 

Cuộc sống mà họ đón nhận cũng vẫn là cuộc sống đời thường của họ.

 

Ðời thường như một dòng sông. Có lúc nước lên, có lúc nước xuống. Nước tốt nước xấu pha trộn vào nhau chảy không ngừng. Ai khéo khai thác dòng sông của mình, đã thấy dòng sông ấy chuyên chở nhiều sự sống mới.

 

Ðời thường như một cánh đồng. Có những cây lúa và có nhiều loại cỏ. Từ cách đồng ấy nhiều người đã thu hoạch được những mùa màng tốt, bởi vì họ đã đón nhận cánh đồng với nhiều chăm sóc.

 

Nơi nhiều người, nếu so sánh giá trị của họ hôm nay với giá trị của họ cách đây 12 tháng, tôi thấy có một sự khác biệt đáng ngỡ ngàng. Trình độ nhân bản, đạo đức, trí thức, văn hóa của họ đều tăng. Hôm nay họ là người hơn trước, họ có khả năng phục vụ hơn trước, trái tim họ tươi đẹp hơn trước, trí khôn họ tỏa sáng hơn trước. Bởi vì họ đã biết lợi dụng mọi điều kiện của đời thường, để mà thăng tiến.

 

Mỗi ngày có biết bao chân lý mới, biết bao vẻ đẹp thiêng liêng mới.

 

Ðang khi người dửng dưng hay tự mãn không biết thu lượm, thì họ khiêm tốn ân cần đón nhận với trái tim cởi mở. Họ đón nhận như hái những bông hoa. Một cách tế nhị, yêu thương và trân trọng.

 

Với những chân lý mới, với những vẻ đẹp mới, họ có những sáng kiến cho bản thân họ, cho những người thân, và cho đồng bào.

 

Thực ra, điều họ nói họ làm đều đã qua đi. Nhưng xét cho cùng, sau khi mọi sự đã qua đi rồi, vẫn còn một cái gì sâu lắng tồn tại bền vững. Những cái nhìn đều đã qua đi, những nụ cười đều đã qua đi, những lời nói đều đã qua đi, nhưng tình yêu trong những cái qua đi ấy sẽ không qua đi bao giờ. Tôi muốn nói tới một thứ tình yêu cao đẹp vị tha, mà Ðức Kitô đã chỉ rõ:

 

"Thầy cho các con một giới răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con." (Gioan 15,12)

 

Như thế là có một đời thường nổi và một đời thường chìm. Ðời thường chìm là những sinh hoạt âm thầm trong trái tim. Những sinh hoạt của tình Chúa tình người làm nên một kho tàng có chiều kích thiêng liêng và chiều kích hiệp thông. Ngày nào cũng có những giá trị mới được đưa vào kho tàng ấy. Bởi vì trái tim mến Chúa yêu người không ngừng cầu nguyện và hy sinh.

 

Những trái tim ấy gợi ý cho tôi nhớ tới trái tim Ðức Mẹ Maria. Một trái tim luôn đón nhận thánh ý Chúa Cha, một trái tim biết đón nhận đời mình, một trái tim biết đón nhận những Tin Mừng và những lời tiên tri loan báo tương lai đau đớn, một trái tim biết đón nhận nhân loại yếu đuối, một trái tim biết đón nhận Chúa Thánh Linh hiện xuống, và một Hội Thánh bé nhỏ khiêm nhường, một trái tim biết đón nhận nhiệm vụ canh thức cho lịch sử dân Chúa. Trong trái tim Ðức Mẹ có một tình yêu luôn được thanh luyện, luôn được hiến tế, để sản sinh ra những niềm tin mới và những niềm hy vọng mới.

 

Nhìn về phía trước, tôi tin là sẽ có nhiều trái tim mới theo gương trái tim Ðức Mẹ: Trái tim bốc lửa và có vòng gai quấn xung quanh. Ðó là một trái tim yêu thương biết chấp nhận hy sinh.

 

Không biết tôi có nên cầu chúc cho ai sang năm mới được một trái tim mới kiểu đó không. Nhưng tôi cầu nguyện cho tôi và cho đồng bào thân yêu của tôi biết đón nhận đời thường của mình với một trái tim mới do sức sống mới của giới răn mới, mà Ðức Kitô đã ban tặng. Ðó là giới luật yêu thương (Gioan 15, 17).


 

ĐGM GB Bùi Tuần

Mục lục

 

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2008 CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

 “Chúa Kitô đã trở nên nghèo khó vì anh em ” ( 2 Cr 8, 9)

 

 

 Anh chị em thân mến,

 

 1. Mỗi năm, Mùa Chay đem lại cho chúng ta một dịp được Chúa quan phòng dự liệu, giúp chúng ta đào sâu ý nghĩa và giá trị đời sống Kitô, đồng thời thúc đẩy chúng ta khám phá lại lòng thương xót của Thiên Chúa, để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng trở nên nhân từ hơn đối với các anh chị em mình. Trong Mùa Chay, Giáo Hội nhận lấy trách nhiệm của mình là đề nghị một số việc đặc biệt nâng đỡ các tín hữu một cách thiết thực trong hành trình canh tân nội tâm, đó là cầu nguyện, chay tịnh bố thí . Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, tôi muốn dành một chút thời giờ để suy tư về việc thực hành bố thí, thể hiện đặc biệt qua việc giúp đỡ những người túng quẫn, đồng thời luyện tập sự hi sinh từ bỏ, giúp chúng ta thoát khỏi những dính bén đối với của cải trần gian. Quyến rũ của của cải vật chất  càng mạnh mẽ bao nhiêu thì quyết tâm của chúng ta càng phải cương quyết bấy nhiêu để không coi chúng là ngẫu tượng, Chúa Giêsu qủa quyết: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13). Bố thí giúp chúng ta chiến thắng cám dỗ thường xuyên này, dạy chúng ta ứng cứu nhu cầu của tha nhân và chia sẻ những gì chúng ta có nhờ lòng nhân từ của Chúa. Những cuộc quyên góp đặc biệt phát động trong Mùa Chay để giúp những người nghèo khổ tại nhiều nơi trên thế giới nhắm vào mục đích này. Như thế, việc thanh tẩy nội tâm đi kèm với cử chỉ hiệp thông Giáo Hội, phản chiếu những sinh hoạt đã có từ thời Giáo Hội sơ khai. Thánh Phaolô nói đến những cuộc lạc quyên để giúp cộng đòan Giêrusalem trong các Thư của ngài (x. Cr 8- 9; Rm 15, 25- 27).

 

2. Theo giáo huấn của Tin Mừng, chúng ta không phải là chủ nhân nhưng là người qủan lí các của cải chúng ta có: vì thế, chúng ta không được coi chúng như thuộc riêng chúng ta sở hữu, nhưng là những phương tiện qua đó Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta hành xử như một người qủan lí cho sự quan phòng của Người đối với tha nhân. Như Giáo Lí Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở, của cải vật chất có một giá trị xã hội, theo nguyên tắc là để phục vụ mọi người (x. số 2404).

 

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nghiêm khắc cảnh báo những người sở hữu của cải vật chất mà chỉ sử dụng cho riêng mình. Trước biết bao người thiếu thốn đói nghèo, thánh Gioan đã mạnh tiếng khiển trách: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1 Ga 3, 17). Lời kêu gọi chia sẻ càng khẩn thiết hơn trong các quốc gia mà Kitô hữu là đa số, bởi vì trách nhiệm của họ đối với những người đang phải chịu nghèo đói và bỏ rơi càng lớn lao hơn. Cứu giúp những người ấy là một nghĩa vụ thuộc về đức công bằng trước khi là một hành vi bác ái.

 

3. Tin Mừng làm nổi bật nét tiêu biểu của việc bố thí theo Kitô giáo, đó là phải kín đáo. Chúa Giêsu nói: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo” (Mt 6, 3- 4). Và ngay trước đó, Người nói rằng đừng tự phụ  về các việc lành của mình để tránh nguy cơ mất phần thưởng Nước Trời (x. Mt 6, 1- 2). Người môn đệ phải luôn quan tâm làm vinh danh Chúa hơn. Chúa Giêsu cảnh báo: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp của anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16). Vì thế, chúng ta phải làm mọi việc vì vinh quang Thiên Chúa, chứ không phải để vinh danh chính mình. Anh chị em thân mến, nhận thức này phải luôn đi theo mọi hành vi giúp đỡ tha nhân của chúng ta, hãy tránh đừng để nó trở thành một phương thế làm cho chúng ta được quan tâm chú ý. Nếu khi làm một việc thiện, chúng ta không nhằm mục đích tôn vinh Thiên Chúa và mưu cầu lợi ích thiết thực cho các anh chị em chúng ta, mà lại tìm kiếm sự đáp đền tư lợi hoặc muốn được xưng tụng thì chúng ta tự đặt mình ra ngoài tinh thần của Tin Mừng. Trứơc thế giới hôm nay chuộng hình thức, chúng ta cần phải tỉnh thức trước cám dỗ thường xuyên này. Bố thí, theo Tin Mừng, không chỉ là thuần tuý làm từ thiện, nhưng là thể hiện đức ái một cách thiết thực, đây là một nhân đức đối thần đòi phải có sự hoán cải nội tâm, trở về với tình yêu Thiên Chúa và lòng mến đối với tha nhân, theo gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự hiến vì chúng ta khi chịu chết trên thập giá. Làm sao chúng ta không biết cảm tạ Chúa vì biết bao người, luôn né tránh tầm ngắm của các phương tiện truyền thông để âm thầm, quảng đại họat động trợ giúp các anh chị em của mình? Bố thí của cải mình cho tha nhân chẳng đem lại ơn ích bao nhiêu nếu chúng ta lại chủ tâm phô phang danh giá. Vì vậy, những ai xác tín rằng Thiên Chúa “thấy rõ điều kín ẩn”, Người âm thầm ban thưởng, sẽ không tìm kiếm sự biết ơn đối với những việc bác ái mình làm.

 

4. Khi mời gọi chúng ta nhìn sâu hơn vào việc bố thí để vượt lên trên những khía cạnh thuần tuý vật chất, Sách Thánh dạy chúng ta rằng cho thì có phúc hơn là nhận (Cv 20, 35). Khi chúng ta hành động vì đức ái, chúng ta thể hiện sự thật về con người của chúng ta; thật vậy, chúng ta được dựng nên không phải cho chính chúng ta, nhưng cho Thiên Chúa và anh chị em chúng ta (x. 2 Cr 5, 15). Mỗi lần chúng ta chia sẻ của cải với những anh chị em túng thiếu vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta nhận ra rằng sự sống viên mãn xuất phát từ tình yêu, và mọi sự biến thành phúc lành cho chúng ta qua những hình thức như sự bình an, sự mãn nguyện và niềm vui. Chúa Cha trên trời vui lòng ban thưởng cho việc bố thí của chúng ta. Thêm nữa, thánh Phêrô cũng coi những hoa trái thiêng liêng của việc bố thí như một cách thế để đón nhận ơn tha thứ. Ngài viết: “Đức ái che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4, 8). Như phụng vụ Mùa Chay vẫn thường nhắc lại, Thiên Chúa ban cho chúng ta là những kẻ tội lỗi cơ hội đón nhận ơn tha thứ. Chia sẻ với người nghèo những gì chúng ta có giúp chúng ta sẵn sàng đón nhận hồng ân ấy. Trong lúc này tôi nghĩ đến những người nhận thức được sức nặng của tội ác họ đã làm, và chính vì thế, họ cảm thấy xa lìa Thiên Chúa, rồi sợ hãi và hầu như không có khả năng quay trở lại với Người. Bố thí giúp chúng ta đến với tha nhân cũng đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa; nó cũng có thể trở thành một phương thế giúp hoán cải và hoà giải thật sự với Chúa và anh chị em.

 

5. Việc bố thí còn dạy chúng ta về một tình yêu quảng đại. Thánh Joseph Benedict Cottolengo thường nhắn nhủ: “Anh chị em đừng bao giờ đếm những đồng tiền mà anh chị em cho đi, vì tôi luôn nói thế này: nếu khi bố thí mà tay trái không được biết việc tay phải làm, thì cả tay phải cũng không được biết việc chính nó làm” (Detti e pensieri, Edilibri , n. 201). Về vấn đề này, một điều ý nghĩa hơn tất cả là câu chuyện về bà goá trong Tin Mừng, sống cảnh nghèo túng bà đã bỏ vào hòm tiền của Đền thờ “tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12, 44). Đồng tiền bé nhỏ và không đáng kể của bà trở thành một biểu tượng hùng hồn: bà goá ấy dâng cho Chúa không phải những gì bà có một cách dư dật, nhưng là dâng tất cả con người của bà.

 

Câu chuyện cảm động này được trình bày xen vào trình thuật về những ngày đi liền trước cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, Đấng mà như thánh Phaolô ghi lại, đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta giàu có (x. 2 Cr 8, 9); Người hiến trọn thân mình vì chúng ta. Việc thực hành bố thí trong Mùa Chay cũng thúc đẩy chúng ta theo gương Chúa Giêsu. Trong trường học của Người, chúng ta có thể học biết để làm cho cuộc đời của chúng ta trở thành một sự trao ban trọn vẹn; học theo Người, chúng ta biết luôn sẵn sàng, không phải để cho đi một ít những gì chúng ta có, mà là cho chính bản thân chúng ta. Toàn bộ Tin Mừng chẳng được tóm gọn  trong giới răn yêu thương duy nhất đó sao? Vì thế, việc bố thí trong Mùa Chay trở thành một phương thế để đào sâu ơn gọi Kitô của chúng ta. Khi hi sinh một cách nhưng không, Kitô hữu làm chứng rằng chính tình yêu chứ không phải giàu có vật chất xác định luật lệ cuộc sống của mình. Vì vậy, tình yêu mang lại giá trị cho việc bố thí; tình yêu khơi lên những cách thế trao ban, tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người.

 

6. Anh chị em thân mến, Mùa Chay mời gọi chúng ra “thao luyện” thiêng liêng, nhất là việc thực hành bố thí, để tăng cường đức ái và để nhận ra chính Chúa Kitô nơi người nghèo. Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại lời Tông Đồ Phêrô đáp lại  người què nài xin ngài bố thí tại cửa Đền Thờ: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có tôi cho anh đây: nhân danh Chúa Kitô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3, 6). Khi bố thí, chúng ta trao đi của cải vật chất như dấu chỉ của món quà cao quý hơn chúng ta có thể chia sẻ cho người khác qua việc loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô mà nhờ danh Người họ tìm được sự sống đích thật. Vì thế, ước gì thời gian Mùa Chay này in rõ dấu nỗ lực cá nhân và cộng đòan trong việc gắn bó mật thiết với Chúa Kitô để chúng ta làm chứng cho tình yêu của Người. Xin Mẹ Maria, là Mẹ và là Nữ Tì trung tín của Chúa, giúp các tín hữu bước vào “trận chiến thiêng liêng” Mùa Chay, được trang bị bằng cầu nguyện, chay tịnh và bố thí để chuẩn bị cử hành Lễ Phục Sinh với tinh thần được đổi mới. Với những ước nguyện này, tôi vui mừng ban Phép Lành Tông Toà cho mọi người.

 

 Từ Vatican, ngày 30 tháng Mười 2007

 

 BENEDICTUS PP, XVI

 

 

 Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch

 

Mục lục

 

 

Tòa Thánh bổ nhiệm Giám Mục phó cho giáo phận Hồng Kông

 

Hãng thông tấn AP trích dẫn nguồn tin của Tòa Thánh Vatican cho biết ĐTC Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Gioan Tong Hon lên làm Giám Mục Phó giáo phận Hồng Kông. Theo giáo luật, Giám Mục Phụ Tá (auxiliary) không có quyền kế vị, nhưng là Giám Mục Phó (Coadjutor) thì có quyền kế vi.


Trường hợp giáo phận Hồng Kông, Giám Mục phó Gioan Tong Hon sẽ đương nhiên kế vị Đức Hồng Y Trần Nhật Quân một khi vị Hồng Y này về hưu.

 

ĐHY Trần Nhật Quân năm nay 76 tuổi, quá hạn tuổi về hưu. Tuy nhiên, tháng Ba năm ngoái, ĐTC Bênêđictô đã không chấp nhận đơn xin từ chức của ĐHY Quân với lý muốn ĐHY Quân tại chức để tiến hành việc nối lại bang giao giữa Vatican và Bắc Kinh.


ĐHY Quân là người luôn cổ vũ cho vấn đề tự do tôn giáo. Do vậy, chính quyền cộng sản Trung Quốc thường lên tiếng chỉ trích Ngài.

 

Giám Mục Phó Gioan Tong Hon năm nay 68 tuổi, sinh tại Hồng Kông. Ngài từng là cố vấn cho văn phòng đặc trách truyền giáo. Đồng thời Ngài cũng là thành viên trong Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn.

 

Theo số liệu của Tòa Thánh, Giáo phận Hồng Kông có diện tích 1,102 Km2, tổng số dân: 6,882,600 trong đó có 344,146 người Công Giáo, 238 Linh Mục, 8 Phó tế vĩnh viễn, 811 Nam Nữ Tu Sĩ.

 

Mục lục

 

THƯ CHÚC TẾT CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

TÒA TỔNG GIÁM MỤC

HÀ NỘI

 

Kính gửi

 

Các linh mục, tu sĩ, chủng sinh

 

Và anh chị em giáo dân Tổng giáo phận Hà nội

 

 Hà nội ngày 01 tháng 02 năm 2008

 

Anh chị em thân mến,

 

Hơn bốn mươi ngày qua chúng ta đã sống một lễ Hiện Xuống mới. Mọi người đồng tâm nhất trí với nhau, chuyên tâm cầu nguyện và hăng hái rao giảng Tin mừng hòa bình, bất chấp những khó khăn gian khổ, tạo nên một bầu khí hiệp thông rộng lớn không chỉ trong tổng giáo phận mà còn khắp nơi trên thế giới. Chưa bao giờ lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội dâng cao như thế. Chưa bao giờ tình cảm gắn bó giữa chủ chăn và đoàn chiên chặt chẽ đến thế. Chưa bao giờ tình bác ái huynh đệ chan hòa nồng nàn đến thế. Chưa bao giờ lời cầu nguyện chung cho lợi ích của Giáo hội tha thiết đến thế. Thật là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho chúng ta. Tôi không ngừng tạ ơn Chúa và cám ơn anh chị em về hồng ân cao quí này.

 

Nhờ lời cầu nguyện tha thiết của anh chị em, công việc đã có kết qủa. Sau những căng thẳng, đã có đối thoại giữa Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục Việt nam với các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà Nước để đi đến một giải pháp tốt đẹp. Giải pháp này sẽ thực hiện qua những bước cụ thể trong tôn trọng lẫn nhau theo ý kiến của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Bước đầu tiên vừa hoàn thành đó là dịch vụ kinh doanh đóng cửa quán phở, giáo dân tháo gỡ lều bạt và cung nghinh thánh giá về. Bước đầu tiên này cũng phù hợp vì hiện nay trời rất lạnh và anh chị em phải chuẩn bị đón Tết. Tôi không đành lòng nhìn thấy anh chị em phải lạnh giá giữa trời mùa đông rét mướt.

 

Tuy không thường trực ở bên cạnh Đức Mẹ, nhưng xin anh chị em hãy giữ vững tinh thần cầu nguyện. Hãy cầu nguyện liên lỉ. Hãy cầu nguyện kiên trì. Hãy cầu nguyện tha thiết. Và hãy tin rằng tôi luôn ở bên anh chị em và mọi người ở mọi nơi cũng luôn ở bên chúng ta. Qua bức thư hiệp thông của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, anh chị em cũng biết rằng Đức Thánh Cha Bênêđichtô và Tòa Thánh luôn ở bên chúng ta. Và kết quả cuối cùng sẽ tốt đẹp như lòng chúng ta mong ước.

 

Tôi nhiệt liệt ca ngợi sự can đảm trước mọi gian khó, tinh thần cầu nguyện sâu xa, tinh thần bác ái hòa bình và đức tin mãnh liệt sống động của anh chị em. Nhân dịp Xuân Mậu Tý, xin chúc anh chị em hưởng một mùa xuân tràn đầy ơn thánh Chúa, tràn đầy niềm bình an và niềm tin tưởng Chúa ban cho chúng ta những điều chúng ta đang tha thiết cầu xin.

 

Thân ái chào anh chị em

 

 (Ký tên)

 

+ Giuse Ngô quang Kiệt

Tổng giám mục Hà nội

 

 

 

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY 2008 CỦA ĐỨC GIÁM MỤC ĐÀ LẠT

Đàlạt, ngày 25 tháng 01 năm 2008

Kính gửi: Anh em Linh mục

các Tu sĩ, Chủng sinh

và Anh Chị Em trong Gia Đình Giáo Phận

“Bàn Ăn của Thiên Chúa cho Một Thế Giới Mới”

Quý Cha và Anh Chị Em thân mến,

Mùa Chay Thánh năm nay khởi đầu vào ngày cuối năm Đinh Hợi, ngày mà theo truyền thống dân tộc, mọi người đều trở về gia đình của mình để gặp gỡ ông bà cha me, anh chị em, những người thân yêu, hay nói một cách thi vị hơn để tìm lại cội nguồn của mình, tìm lại chiếc nôi tình thương mà từ đó mình được sinh ra, ấp ủ và lớn lên.

Trong bầu khí thân thương của các gia đình ngày cuối năm và đầu Xuân mới, Xuân Mậu Tý, khởi đầu Mùa Chay Thánh năm nay, tôi muốn dùng chính chủ đề của Đại Hội Quốc Tế Thánh Thể năm 2008, Thánh Thể là “Bàn Ăn Của Thiên Chúa cho Sự Sống Thế Giới” làm khởi điểm cho hành trình thiêng liêng của Mùa Chay Thánh, hành trình bước theo Đức Kitô, Đấng tự hiến mình để mang lại cho nhân loại Sự Sống và Sự Sống dồi dào (x. Ga 10,10).

Với chủ đề này, tôi muốn nhắc lại cho anh chị em mục đích chính yếu của Mùa Chay là nhằm giúp người kitô hữu chúng ta nuôi dưỡng cũng như làm tăng triển đời sống mới trong Đức Kitô, nhờ lột bỏ con người cũ, thoát khỏi đam mê xác thịt để sống theo Thần Khí của Ngài (x. Gl 5,16; Cl 2,11).

Tất cả những thực hành đạo đức truyền thống như ăn chay, thực hành bác ái và cầu nguyện trong Mùa Chay thực ra chỉ có ý nghĩa khi giúp chúng ta biến đổi con người mình, gia đình mình trở nên sẵn sàng hơn cho ân sủng Thiên Chúa tác động, để rồi chính ơn Chúa làm phát sinh nơi chúng ta một cuộc đời mới, một nếp sống mới.

Trong tinh thần đó, tôi muốn cùng với anh chị em dừng lại và suy nghĩ về một vài khía cạnh chính yếu của Bàn Tiệc Thánh Thể, ngõ hầu tất cả chúng ta có thể sống Mùa Chay Thánh một cách phong phú và hiệu quả.

1. Xây dựng bàn ăn gia đình:

Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy Đức Giêsu đã chuẩn bị bữa ăn cuối cùng với các môn đệ cách trân trọng, kỹ lưỡng như thế nào (x. Mt 26,17-25; Lc 22,7-13). Và chính trong bữa ăn đó, Ngài đã vừa như một người Thầy dạy dỗ các môn đệ qua hành vi rửa chân (Ga 13,1-20), vừa như một người bạn cùng chia sẻ bánh ăn với bằng hữu, và nhất là, tự trao hiến chính mình làm của ăn cho nhân loại. Không nơi nào Ngài đã thố lộ tình yêu trọn vẹn như

thế: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy, anh em hãy cầm lấy…” (x. Mt 26,26-28; Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-25). Có thể nói, Đức Kitô đã xây dựng Gia Đình Thiêng Liêng của Ngài nhờ vào Bàn Ăn và xoay quanh Bàn Ăn đó.

Trong hướng nhìn này, tôi mong muốn anh chị em hãy thực sự coi trọng “bàn ăn gia đình” theo nghĩa vừa cụ thể vừa thiêng liêng, làm sao cho những giây phút gia đình quây quần trong bữa ăn cũng như trong các giờ kinh nguyện, trở thành nơi biểu lộ tâm tình tạ ơn đối với Thiên Chúa, tấm lòng yêu mến đối với nhau, và nhất là nhờ bầu khí ấm cúng mà trao đổi, xây dựng gia đình mình.

Hơn nữa, để đáp ứng ba mục tiêu chính mà Thư Chung 2007 của HĐGM/VN về Giáo Dục Kitô Giáo đề ra là: “chấn chỉnh môi trường gia đình”; “chấn chỉnh việc đào tạo giáo lý viên”; “chấn chỉnh cơ sở giáo dục các giáo xứ”, tôi ước mong anh chị em lo sao cho Gia Đình mình trở thành một mái trường, và ngược lại, các lớp học giáo lý của chúng ta cũng mang lấy không khí của một gia đình thực sự.

2. Tôn trọng sự sống:

Bữa Tiệc Ly mà Đức Giêsu chia sẻ với các môn đệ không chỉ là kỷ niệm bữa ăn Vượt Qua của người Do Thái mà hơn nữa là sự thiết lập một Bữa Ăn mới, Bữa Ăn của Thiên Chúa đem lại Sự Sống cho thế giới. Vì thế, việc người kitô hữu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không chỉ là nhắc lại quá khứ mà còn và nhất là, để sự sống mà chúng ta đã lãnh nhận từ bàn tay sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa được gìn giữ, nâng cao và biến đổi.

Nói lên điều này, tôi muốn nhắc lại cho anh chị em giá trị thiêng liêng của mọi sự sống, đặc biệt là sự sống của con người. Sự sống là hồng ân kỳ diệu của Thiên Chúa. Mọi con người, dù họ là ai, ở trong tình trạng nào hay giai đoạn nào của cuộc sống, đều có giá trị bất khả xâm phạm, đáng được tôn trọng và yêu thương. Ước gì việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể trong Mùa Chay thánh này sẽ giúp mỗi người, mỗi gia đình chúng ta ý thức hơn cũng như can đảm sống theo những giá trị thiêng liêng đó.

3. Canh tân đời sống:

Như đã nêu trên, mùa Chay không những kêu gọi chúng ta dẹp bỏ con người cũ cùng với những đam mê xác thịt của nó mà còn thúc bách chúng ta sống theo Thần Khí Đức Kitô, như lời khuyên nhủ rất cụ thể của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát:

“Anh em hãy sống theo Thần Khí và như vậy không còn thỏa mãn các đam mê của tính xác thịt nữa… Những việc theo tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy… Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, tiết độ” (Gl 5,16-23).

Quả thực, việc sống mùa Chay sẽ không có bao nhiêu ý nghĩa và cũng khó có thể đem lại hoa quả tốt đẹp nếu chúng ta mỗi người, mỗi gia đình, không mang những tâm tình đối với nhau như chính Đức Kitô đã có đối với chúng ta (x. Pl 2,4-5)

4. Cuối cùng, tôi muốn gói ghém tâm tình và ước mong của tôi trong lá thư Mùa Chay này một lần nữa qua lời khuyến khích mà Thánh Phaolô Tông Đồ gửi đến các tín hữu Thêxalonica, lời mà Giáo Hội cũng đã lấy lại làm đề tài không những cho tuần lễ “Cầu Nguyện Cho Việc Hiệp Nhất Các Kitô Hữu” (từ 18 đến 25 tháng Giêng hàng năm) mà còn cho tất cả năm 2008 này:

“Anh em hãy sống hòa thuận với nhau… đừng lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người. Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx 5,13b.15-18).

Xin Thiên Chúa, nguồn mạch mọi điều thiện hảo, ban cho anh chị em ơn bình an và một Năm Mới tràn đầy ân sủng của Ngài.

Thân mến,

+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Giám mục Giáo Phận Đàlạt

Mục lục

 

Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam Mừng Kính Thánh Gioan Bosco - Đấng Sáng Lập Dòng

 

Sài Gòn - ngày 30 tháng 01 năm 2008 - Cứ đến hẹn lại lên, từ nhều năm nay vào ngày 23 tháng chạp Am lịch (ngày ông Táo về trời) Đại Gia Đình Salêdiêng Don Bosco Việt Nam lại hân hoan mừng kính Thánh Gioan Bosco Đấng Sáng lập Tu Hội Thánh Phanxicô Salêsiô. Lúc 8giờ 30 sáng nay Anh Em Salêdiêng Don Bosco Việt Nam (SDB) cùng với các Chị Em Con Cái Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu (FMA) - Các Chí Nguyện Viên Don Bosco (VDB), Anh Chị Em Cộng Tác Viên Salêdiêng thuộc nhiều miền khác nhau trong cả nước, Các Anh Em Cựu Học Sinh Don Bosco và các Chị Em Cựu Học Sinh FMA đã họp mặt tại trụ sở Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam - Xuân Hiệp Thủ Đức để gặp gỡ, chia sẻ tinh thần Salêdiêng, và tham dự Thánh Lễ trọng thể Mừng Kính Thánh Gioan Bosco, sau đó cùng tham dự bữa tiệc liên hoan tất niên trong bầu khí phấn khởi và vui tươi. Đúng 8giờ 30 Cha Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam đã ngỏ lời chào đón các thành phần của Đại Gia Đình Salêdiêng và tuyên bố khai mạc ngày gặp mặt mừng Lễ. Là những người con cái của Cha Thánh Gioan Bosco, những người Salêdiêng luôn đề cao tinh thần hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, cách riêng với Giáo hội Việt Nam trong năm Giáo Dục Kitô Giáo Kitô Giáo này. Cha Gioan Nguyễn Văn Ty Cựu Giám Tỉnh Dòng Salêdiêng đã có bài thuyết trình về Hoa Thiêng năm 2008 của Cha Bề Trên Cả Dòng Salêdiêng Don Bosco gửi cho tất cả mọi Hội Viên Salêdiêng trên toàn thế giới và cũng cho mọi thành phần của Đại Gia Đình Salêdiêng. Hoa Thiêng năm 2008 với chủ đề "CHÚNG TA HÃY GIÁO DỤC VỚI TRÁI TIM CỦA DON BOSCO" thiết nghĩ, chủ đề của Hoa Thiêng năm nay rất gần và thích hợp với chủ đề Năm Giáo Dục Kitô Giáo của Giáo Hội Việt Nam. Mở đầu Hoa Thiêng Cha Bề Trên Cả Dòng Salêdiêng Don Bosco nói: "Lời Chúa trong Kinh Thánh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã bỏ trời xuống thế để quy tụ tất cả những người con của Thiên Chúa ở khắp mọi miền trên trái đất này lại, cha thử nghĩ có thể hoàn toàn áp dụng lời này cho tất cả những người trẻ của thời đại chúng ta, một thành phần tuy rất mỏng giòn nhưng cũng thật quý giá của xã hội loài người, một thành phần mà sự kỳ vọng về một xã hội hạnh phúc trong tương lai phải dựa vào đó thì tự nó đâu có thể coi thường được. Làm việc cho các người trẻ đòi hỏi phải có một tâm hồn thực sự quảng đại để có thể quan tâm chăm sóc chúng, giáo dục chúng, hướng dẫn chúng đến với chân lý và giữ chúng xa tránh các mối hiểm nguy, điều thực sự khó khăn là làm sao quy tụ chúng lại được để dạy bảo cho chúng biết phải sống như thế nào đó cũng chính là công việc của Đức Giêsu Con Một Thiên Chúa, đó cũng chính là niềm xác tín sâu xa đã điều hướng Don Bosco để rồi ngài đã quan tâm lo lắng về mọi mặt cho các trẻ của ngài, nhận ra được những nhu cầu thật sự của chúng cả những điều còn chưa xảy đến nữa. Hoa Thiêng nhắc nhở các Hội Viên Salêdiêng và mọi thành phần của Đại Gia Đình Salêdiêng rằng VỚI TRÁI TIM CỦA DON BOSCO chúng ta hãy giáo dục các người trẻ phát huy tối đa các tiềm năng trong cuộc sống của các em, đặc biệt những em nghèo khổ và bất hạnh nhất qua việc cổ xuý các quyền lợi của các em. Hoa Thiêng xác định ơn gọi của những người Salêdiêng và mọi thành phần của Đại Gia Đình Salêdiêng chính là những nhà giáo dục theo phong thái của Don Bosco. Hoa Thiêng đề cập tới 3 điểm chính yếu sau:

 

- Sư Phạm Salêdiêng và phương Pháp Giáo Dục Dự Phòng là những điều cần phải được học hỏi và sống.

 

- Tiến trình giáo dục phải hướng tới sự thăng tiến toàn diện các ngươi trẻ.


- Thực hiện việc giáo dục cũng như cổ xuý cho nhân quyền đặc biệt là quyền của các người trẻ.

Sau bài thuyết trình của Cha Gioan Ty SDB là phần minh hoạ bằng những hình ảnh của các Chị Em Con Cái Mẹ Phù Hộ về Hoa Thiêng năm 2008. Tiếp đến Cha Giuse Lê Ngọc Anh SDB đã trình bày với các thành phần gia đình Salêdiêng đôi nét về Tân Chân Phước Jefferino Namuncura một học sinh và một Tu Sinh Don Bosco người thổ dân da đỏ, thuộc về một bộ tộc hiếu chiến Araucô sống ở vùng Trung Mỹ Pampas, nước Argentina hiện nay vừa mới được phong chân phước ngày Chúa Nhật 11 tháng 11 năm 2007 vừa qua. Cuối cùng Cha Giuse Nguyễn Thịnh Phước SDB đã trình bày đôi nét về tài liệu của Tổng Tu Nghị 26 của Dòng Salêdiêng Don Bosco sẽ được cử hành vào trung tuần tháng 02 năm 2008 tại trụ Sở Nhà Bề Trên Tổng Quyền ở Roma - Italia. Xen kẽ những bài thuyết trình là những bài hoà tấu của ban kèm đồng Don Bosco do các Anh Em tiền tập Viện và tập Viện Don Bosco phụ trách với những bài hát Xuân và những bài sinh hoạt Salêdiêng. Tiếp đến là Thánh Lễ đồng tế trọng thể mừng Kính Thánh Gioan Bosco do Cha Giám Tỉnh GB Nguyễn Văn Thêm chủ sự, cùng đồng tế với Cha Giám Tỉnh là các Anh Em Linh Mục Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam. Được biết con số các thành phần của Đại Gia Đình Salêdiêng tham dự lễ năm nay đã vượt trên 500 người. Sau Thánh Lễ là bữa cơm huynh đệ và những lời chúc Mừng cho một Năm Mới sắp tới. Tất cả mọi thành phần của Đại Gia Đình đã có dịp để gặp gỡ, chia sẻ những suy tư và thao thức của mình với Sứ Mệnh Salêdiêng trong việc giáo dục người trẻ ngay chính tại những môi trường cụ thể hàng ngày ở các gia đình và trong các môi trường sống của các em, để giáo dục các em nên những Công Dân lương thiện và những người Kitô hữu tốt. Ngày mừng lễ kết thúc lúc 13giờ 30 chiều cùng ngày, mọi người ra về đều mang trong tâm hồn những tâm tình vui tươi và phấn khởi, ý thức mình là những người qua phép rửa đã được thánh hiến với việc xức dầu Thần Khí và được sai đến với giới trẻ để công bố đời sống mới mà Đức Kitô đã ban cho, để cồ xuý và phát triển sự sống qua việc giáo dục vốn giải phóng người trẻ và người nghèo khỏi mọi thứ áp bức và bị loại ra bên lề. Những tình trạng bị loại ra bên lề này ngăn cản họ tìm kiếm chân lý, rộng mở trước hy vọng, sống có mục đích và niềm vui, và kiến tạo sự tự do của chính mình.

 

Francesco Đức Thịnh SDB.

Mục lục

 

 

Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam có Tân Giám Tỉnh

 

SAGIÒN -- Sáng nay 30 tháng 1 năm 2008, một thánh lễ đơn sơ và cảm động đã được cử hành tại nhà nguyện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, đánh dấu một nhiệm kỳ Giám Tỉnh mới của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

 

Tân Giám Tỉnh là cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, sinh ngày 11 tháng 7 năm 1955, khấn dòng ngày 5 tháng 1 năm 1978. và chịu chức “chui” ngày 26 tháng 6 năm 1990.

 

Như vậy có thể nói vị giám tỉnh mới của Dòng Chúa Cứu Thế đã được đào tạo và trưởng thành trong môi trường sau 75 với tất cả những đặc điểm của nó.


Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam hiện nay có 265 tu sĩ, trong đó có 166 linh mục, 3 phó tế vĩnh viễn, 30 trợ sĩ và 66 sinh viên Học Viện. Tuổi trung bình toàn Tỉnh là 39,1.

 

TOÀ THÁNH GỞI THƯ CHO TGM HÀ NỘI


Phủ Quốc Vụ Khanh

Số 915/08/RS/FAX

Vatican, ngày 30 tháng giêng năm 2008

Kính gởi

Ðức Cha Giuse NGÔ QUANG KIỆT

Tổng Giám Mục Hà Nội


HÀ NỘI

Kính thưa Ðức Cha,

Phủ Quốc Vụ Khanh rất chú ý và quan tâm theo dõi những biến cố, trong những ngày vừa qua tại Hà Nội, liên quan đến những căng thẳng giữa Tổng Giáo Phận Của Ðức Cha và Chính Quyền sở tại về vấn đề quyền sở hữu và quyền sử dụng tòa nhà kế cạnh tòa giám mục, nơi mà, trong nhiều năm, đã là nơi làm việc của Tòa Khâm sứ Tòa Thánh ở Việt Nam.

Tôi tràn đầy thán phục lòng quí mến nhiệt tình và sự gắn bó sâu xa của hàng ngàn giáo dân với Giáo Hội và với Tòa Thánh vì họ đã liên tục biểu lộ bằng cách hòa nhã tụ họp nhau lại để cầu nguyện trước tòa nhà này, nơi đã trở thành một biểu tượng, để xin cho Các Cấp Lãng Ðạo Dân Sự được biết xét đến những khẩn thiết của cộng đoàn công giáo.

Nhưng, đàng khác, sự kiện mà những cuộc tụ họp như vậy cứ tiếp diễn không khỏi gây ra những lo lắng, bởi vì, như đã thường xẩy ra trong những trướng hợp tương tự, có thể có nguy hiểm thực sự là người ta sẽ không kiểm soát được tình thế, khiến nó có thể biến thành biểu tình bạo ngôn hay bạo lực.

Bởi vậy, nhân danh Ðức Thánh Cha, luôn luôn được thông tin về diễn biến của tình thế, tôi xin Ðức Cha can thiệp để người ta tránh những thái cử có thể gây xáo trộn trật tự công cộng mà có thể trở về trạng thái bình thường. Và như vậy, trong một bầu khí trang nghiêm hơn, có thể lại tiếp tục đối thoại được với Chính Quyền, hầu tìm được một giải pháp thích ứng cho vấn đề tế nhị này.

Tôi xin cam đoan với Ðức Cha rằng về phần minh, Tòa Thánh, đã luôn làm như vậy, sẽ không bỏ lỡ việc giải thích cho Chính Phủ của quê hương Ðức Cha, những nguyện vọng chính đáng của người công giáo việt nam.

Xin cám ơn sự cộng tác của Ðức Cha và Xin Ðức Cha nhận nơi đây lòng chân thành của tôi.

Hồng Y Tarcisio BERTONE

(đã ký)

Ký tên Hồng Y Tarcisio Bertone,

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Mục lục

 

Ðơn khiếu nại của tòa Tổng Giám Mục Hà Nội về bản tin xuyên tạc sự thật của Ðài Truyền Hình Hà Nội.

 

Tòa Tổng Giám Mục

Hà Nội

Số: 025/TGM 08

 

V/v. Khiếu nại Ðài Truyền hình Hà nội;

Báo Hà Nội mới và báo An ninh Thủ Ðô

 

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2008

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Ðơn Khiếu Nại

 

Kính gửi:: - Giám đốc Ðài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội

- Tổng biên tập báo Hà Nội mới

- Tổng biên tập báo An ninh thủ đô

 

Ðài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, trong chương trình buổi tối ngày 26/01/2008, báo Hà Nội mới và báo An ninh thủ đô số ra ngày 27/01/2008 đã đưa tin về đất Tòa Khâm Sứ cũ và vụ việc ngày 25/01/2008 với nội dung hoàn toàn xuyên tạc sự thật.

Xuyên tạc sự thật về đất đai của Toà Tổng Giám mục Hà Nội, đặc biệt khu đất Toà Khâm Sứ cũ. Toà Tổng Giám mục Hà Nội có đầy đủ bằng chứng pháp lý về vấn đề chủ quyền đối với khu đất và tài sản tại đây.

Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 ngày 18 tháng 6 năm 2004 về tín ngưỡng, tôn giáo ghi: "Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó" (điều 26). Cũng trong Pháp lệnh này, khoản 1, điều 27 ghi: "Ðất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động được sử dụng ổn định lâu dài".

Việc Ðài Truyền hình Hà Nội và các báo tại Hà Nội trích công văn trả lời số 05/BXD - QLN ngày 6/11/2007 rằng: "Thực hiện chính sách của Nhà nước về cải tạo nhà cửa, ngày 24/11/1961, linh mục Nguyễn Tùng Cương - đại diện quản lý đã bàn giao cơ sở nhà đất 40a (nay là số 42 phố Nhà Chung) qua để Nhà nước quản lý" là hoàn toàn không có cơ sở. Toà Tổng Giám mục Hà Nội đã có văn bản bác bỏ công văn này. Nay chúng tôi xin nhắc lại như sau:

Theo Giáo luật, Ðiều 1292 qui định: "...Giám mục giáo phận với sự thỏa thuận của Hội đồng Kinh tế, Hội đồng Tư vấn và những người quan thiết. Giám mục Giáo phận cần có sự thỏa thuận của những người ấy khi muốn chuyển nhượng một tài sản của Giáo phận". Linh mục Nguyễn Tùng Cương chỉ là quản lý Toà Giám mục lúc đó, không là chủ sở hữu tài sản, không có thẩm quyền quyết định tài sản của Giáo hội Công giáo. Chúng tôi biết chắc linh mục Nguyễn Tùng Cương chỉ làm bản kê khai chứ không hiến, không có quyền hiến.

Văn bản của Bộ Xây dựng nói trên, cũng đã không đề cập đến chính sách của Nhà nước về cải tạo nhà cửa là chính sách nào? Văn bản pháp luật nào có hiệu lực cho việc chiếm đoạt tài sản trên.

Văn bản 05/BXD - QLN ngày 6/11/2007 nói rằng, linh mục Nguyễn Tùng Cương đã "bàn giao cơ sở nhà đất 40a (nay là số 42 phố Nhà Chung) qua để Nhà nước quản lý" là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Tài sản nói trên là của Giáo hội Công giáo Việt Nam, hoàn toàn không phải giữ hộ Nhà nước, không mượn, xin hay được Nhà nước cấp, không phải là tài sản trái pháp luật hay được Tòa án giao quản lý, nên không thể "bàn giao qua Nhà nước".

Không một linh mục đơn lẻ nào có thể đại diện Tòa Giám mục và bàn giao tài sản của Giáo hội cho Nhà nước. Cơ sở nhà đất 40 Nhà chung bao gồm cả Tòa Khâm Sứ cũ đã, đang và sẽ là tài sản của Giáo hội Việt Nam. Các cơ quan đã dùng các biện pháp khác nhau để chiếm đoạt một cách không ngay tình và sử dụng từ đó đến nay là việc làm bất hợp pháp.

Xuyên tạc những hành vi của Cộng đồng dân Chúa vào ngày 25/1/2008. Chúng tôi xin trả lời từng điểm:

1 - Huỷ hoại tài sản Nhà nước (Trụ sở phòng Văn hoá Thông tin và Nhà văn hoá quận Hoàn Kiếm)

Chính các cơ quan Nhà nước đã tự tiện phá dỡ, huỷ hoại những tài sản của Giáo hội đã và đang có từ xưa cho đến tận ngày hôm nay. Cụ thể là việc tháo dỡ mái nhà và sàn nhà bằng gỗ lim vào tháng 12/2007 vừa qua.

2- Lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép (đã dựng tượng Ðức Mẹ, Thánh giá và 2 lều bạt trên khuôn viên nhà số 42 phố Nhà Chung)

Không ai lấn chiếm đất công, đây là đất đai thuộc quyền sử dụng của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, chưa hề cho, nhượng, hay bán vào bất cứ thời điểm nào cho bất cứ ai. Thậm chí cũng không có văn bản tịch thu. Mấy tấm bạt để che mưa không thể coi là việc xây dựng. Tại cây đa, trước đây đã có hang đá, Thánh giá và tượng Ðức Mẹ, việc đặt tượng và Thánh giá là để đưa tài sản đó về nguyên trạng của nó trước khi bị chiếm đoạt.

3 - Tập trung đông người và cư trú bất hợp pháp, gây mất trật tự giao thông công cộng và nơi làm việc của cơ quan Nhà nước khu vực số 42 phố Nhà Chung.

Trong bằng khoán điền thổ lập năm 1933 ghi rõ ràng khu đất này là khu Nhà thờ Chính toà. Vì thế, cầu nguyện tại đây là cầu nguyện trong khuôn viên Nhà thờ Chính Toà. Giáo dân chỉ đến đọc kinh cầu nguyện chứ không cư trú nên không có việc cư trú bất hợp pháp ở đây. Ðây có phải là cơ quan Nhà nước không khi trước đây cho mở vũ trường. Còn những tấm bảng "Nhà Văn hoá", "Phòng Văn Hóa Thông Tin", "Phòng Thể Dục Thể Thao" mới chỉ được treo lên vào lúc 17g30 ngày 26/12/2007 vừa qua.

4 - Có hành vi xúc phạm, lăng mạ và gây thương tích cho cán bộ, nhân viên Nhà nước.

Thật quá sức xuyên tạc! Bản thân giáo dân cầu nguyện rất ôn hòa và bình tĩnh. Chính cán bộ Nhà nước, các nhân viên bảo vệ là người đã lạm dụng quyền lực, xúc phạm, lăng mạ và đánh công dân một cách nghiêm trọng. Họ là người vi phạm pháp luật cần được nghiêm trị. Chúng tôi có đầy đủ hình ảnh về việc đánh người của nhân viên Nhà nước.

5 - Tổ chức cầu nguyện trái quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo. "Tại đây, giáo dân và một số giáo sĩ đã đẩy đổ 2 cổng sắt, tràn vào sân và xô xát với một số bảo vệ và cán bộ đang làm việc tại Nhà văn hoá quận Hoàn Kiếm. Trong quá trình xô xát, các giáo dân quá khích đã đánh bị thương một số cán bộ nhà văn hoá, trong đó, có một người bị trọng thương, hiện vẫn đang được cấp cứu tại bệnh viện. Sau vụ xô xát khiến nhiều người bị thương, các giáo dân và một số giáo sĩ đã dựng một cây Thánh giá cao khoảng 5m trước phòng làm việc của Phòng Văn hoá - Thông tin và Nhà văn hoá quận Hoàn Kiếm. Tiếp đó, họ đã đập khoá cửa, dỡ biển cơ quan, treo khẩu hiệu và dựng lều bạt nilon để ăn ở, cầu nguyện ngay trong khuôn viên số nhà 42 phố Nhà Chung".

Hoạt động cầu nguyện của giáo dân là đúng mực và hợp pháp. Các công an thường phục đã đánh người và bắt giữ giáo dân một cách bất hợp pháp. Vì hoàn cảnh như vậy, giáo dân đã yêu cầu thực thi công lý và đòi hỏi thả người. Chính việc bắt và đánh người đã khiến dân bức xúc. Họ tràn vào vì muốn những người bị bắt phải được thả, những kẻ đánh người phải được pháp luật trừng trị. Bản thân hàng giáo phẩm đã rất có trách nhiệm, kêu gọi giáo dân bình tĩnh, giải quyết sự việc trong ôn hòa. Nếu không có các linh mục ổn định, chắc chắn đã có ẩu đả lớn. Chính cán bộ Nhà nước đã đánh đập giáo dân trọng thương phải đi cấp cứu, chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về sự việc này. Ðây là những người có trách nhiệm để xảy ra tình trạng đáng tiếc khi bắt đánh người gây kích động giáo dân.

Việc một số thông tin trên mạng internet là của nhiều người đưa lên, Toà Tổng Giám mục Hà Nội không chịu trách nhiệm, nhưng đa số thông tin là chính xác và là quyền của công dân được Hiến pháp và Pháp luật bảo vệ thể hiện tại điều 4 của Luật Báo chí. Chính những thông tin của Ðài Phát Thanh - Truyền Hình Hà Nội, của báo Hà Nội mới và báo An ninh thủ đô mới là những thông tin xuyên tạc sự thật một cách ác ý, nhằm bôi nhọ hàng ngũ tu sỹ và giáo dân chúng tôi. Những sự việc trên, diễn ra ngay giữa ban ngày, trước sự chứng kiến của đông đảo giáo dân, nhân dân khu vực và những người qua lại, được các hãng thông tấn nước ngoài chứng kiến tận mắt. Việc thông tin một chiều, xuyên tạc sự thật trắng trợn của Ðài Phát Thanh & Truyền Hình Hà Nội, báo Hà Nội mới và báo An ninh thủ đô là một bằng chứng cho thấy việc bất chấp sự thật và công lý, làm hoen ố hình ảnh một Nhà nước Việt Nam pháp quyền. Chính những hành động này, đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần đoàn kết dân tộc hiện nay.

Với những nội dung đã nêu trên, căn cứ Hiến pháp, Pháp luật Việt Nam, Luật Báo chí (đ.28), chúng tôi yêu cầu:

1- Ðài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới và báo An ninh thủ đô phải nghiêm túc nhìn nhận sự việc một cách khách quan và sự thật, tổ chức điều tra và tiến hành đính chính theo quy định của Pháp luật hiện hành. Xuất trình tất cả những bằng chứng liên quan cụ thể.

2- Truy cứu trách nhiệm cá nhân, tổ chức đã cố tình xuyên tạc sự thật về những vấn đề nêu trên.

3- Trả lời chúng tôi đúng trình tự hiện hành theo Luật pháp đã quy định

Xin gửi tới Quí vị lời chào vì công lý và sự thật.

 

TM. Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội

Chánh Văn Phòng

(Ký tên & đóng dấu)

Linh mục Lê Trọng Cung

 

Nơi nhận: - như trên

- Thủ Tướng Chính Phủ

- UBND Tp. Hà Nội

- Ban Tư tưởng Văn hoá TW

- Bộ Thông tin và Truyền thông

- Lưu Vp.

Mục lục

 

“KHI TÔI TRUNG CẦU CỨU ĐẾN TA”...

 

Cả hơn một tháng nay, từ ngày 18.12.2007 cho đến bây giờ, đã có những buổi thắp nến cầu nguyện hầu như liên tiếp, tại tòa Khâm sứ cũ và tại giáo xứ Thái Hà ở Hà nội. Tiếp theo những buổi cầu nguyện đó là những hình ảnh, những bài tường thuật rất phong phú và cảm động mỗi ngày, trên báo đài ngọai quốc, nhất là hãng thông tấn Vietcatholic. Có những bài ôn hòa chừng mực, xây dựng, nhưng có những bài gay cấn có thể coi như những ngòi nổ.


Về phía những người cầu nguyện, phải thành thật và khách quan công nhận họ là những người thành kính, đầy lòng tin, quả cảm và xác tín về việc làm của mình. Nếu ở gần, tận mắt chứng kiến, hay ở xa nhìn qua hình ảnh hay băng vidéo, người ta cũng thấy như thế. Điều này làm cho những người đồng đạo lấy làm cảm phục và khiến cho những người ngoài đạo, nếu không đồng thuận tán dương, thì cũng phải để tâm suy nghĩ.


Ước mong sao những người đã biến đường phố thành nhà thờ cứ giữ được như thế, vì đó là chính nghĩa và sức mạnh, rất hợp với lời trong thánh vịnh;


Chúa phán:

“Kẻ gắn bó cùngTa

Sẽ được ơn giải thoát

Người nhận biết Danh Ta

Sẽ được sức phù trì.

Khi kêu đến ta, ta liền đáp lại.

Lúc ngặt nghèo, có Ta ở kề bên. (Tv 90,14-15)

 

Nhưng có điều đáng ngại là trong những ngày vừa qua, bầu khí sôi sục lửa giận hờn ở chung quanh, do sự đưa đẩy của hoàn cảnh, có thể ảnh hưởng đến thái độ ôn hòa và bình thản của đoàn người cầu nguyện.


Một sự khiêu khích, một hành vi manh động nào đó hay những lời lẽ khiếm nhả, xỉ vả có thể thổi bùng lên cơn phẫn uất nơi những người trong cuộc mà xẩy ra hành vi nào đáng tiếc, về phía những người bị xúc phạm hay khiêu khích chăng.

 

Vì vậy, lời nhắc bảo trên loa phóng thanh của những người có trách nhiệm là rất cần thiết và hữu dụng: phải tự kiềm chế, lấy nhu thắng cang, nhuợc thắng cường và luôn luôn dùng những lời trong Kinh Hòa Bình làm kim chỉ nam cho hành động: đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chanh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.


Những lời này thật đẹp đẽ và cao cả. Nhưng giữ và làm được như thế thì phải nói là anh hùng và chỉ có ơn Chúa mới có thể giúp cho thực hiện được. Mong rằng những lời kinh tiếng hát của đoàn người vẫn thắp nến cầu nguyện từ bấy lâu nay, đêm ngày vang lên tận trời cao, sẽ được nhận sự đáp ứng của Chúa. Và chắc chắn là như vậy, vì:

“Ta được phù hộ là nhờ danh thánh Chúa

Đấng đã dựng nên cả đất trời.” (Tv 123,8)


“Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi

Ơn phù trợ tôi đến tự nơi nao

Ơn phù trợ tôi đến từ Đức Chúa.

Là Đấng dựng nên cả đất trời.” (Tv 120, 1-2)

 

LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP.

Mục lục

 

 

Bài Giảng Lễ Mừng Thượng Thọ Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

 

Trọng kính Quý Đức Hồng Y, quý Đức Tổng, quý Đức

Cha,

 

80125DcNgan.jpgQuý Cha Tổng đại diện, quý Cha Bề trên các Dòng,


Quý Cha Giám đốc Đại Chủng viện, quý Cha,
quý Tu Sĩ Nam Nữ, Chủng sinh và Quý Ông bà anh chị em.

 

Phụng vụ ngày 25 tháng 01 hằng năm thật là đặc biệt, ngày Giáo hội mừng lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại, cuộc trở lại hồng phúc của Ngài với Chúa Kitô, với Giáo hội và với anh em. Nhìn vào cuộc đời thánh thánh nhân, chúng ta có thể nói cuộc đời thánh nhân luôn là những BẤT NGỜ: Bất ngờ vì gặp gỡ chính Chúa Kitô để thay đổi đời mình, để Yêu mến Chúa và Rao giảng Tin Mừng tình thương của Chúa.

Gặp gỡ Chúa Kitô để thay đổi đời mình: Đây có lẽ là điều bất ngờ lớn nhất mà thánh nhân không bao giờ ngờ tới. Là môt người có quốc tịch Rôma trong tư cách một biệt phái Do Thái, một địa vị vừa xã hội vừa tôn giáo, nghĩ mình thánh thiện hơn người khác, nên rất hăng hái để bắt các tín hữu phải thay đổi về niềm tin sai lầm khi tin vào Giêsu Kitô. Thế mà, trên con đường đi tìm những người lầm lạc như vậy, thánh nhân đã gặp được Chúa Kitô: Ánh sáng của Chúa chiếu vào mắt, bị ngựa hất ngã xuống đất. Saul cảm thấy mình mù lòa: mù lòa đức tin, mùa lòa khi chọn lựa sai hướng đi cuộc đời. Chỉ khi gặp gỡ Đức Kitô, thánh nhân mới cảm nhận được mình là ai. Thật lạ lùng, khi mắt mở to để nhìn người khác, chỉ thấy lỗi lầm của người khác và không gặp được Chúa; còn khi chính mình mù lòa, lại là lúc nhìn được chính mình để cảm nhận một giá trị niềm tin và tình yêu mến chân thành với Chúa và anh em. Chính sự gặp gỡ này đã biến đổi hoàn toàn từ Saul hung hăng trở nên một Phaolô, một thánh nhân, một môn đệ hăng hái nhiệt thành rao giảng tình thương của Chúa.

Gặp gỡ Chúa Kitô để yêu mến Chúa và Giáo hội: Bất ngờ thứ hai là thánh nhân tưởng mình Yêu mến lề luật và yêu mến Chúa hơn mọi người. Giờ đây khi gặp gỡ Chúa, ngài mới nhận ra Chúa Kitô yêu thương ngài biết chừng nào: không trách móc những lầm lỗi, việc làm quá khứ: mà tín nhiệm mời gọi trởi nên môn đệ yêu mến của Ngài. Thánh nhân cảm thấy choáng váng vì tình yêu nhưng không này, nên đã cần một thời gian tĩnh lặng để suy tư, để sám hối, để nhận ra tình thương yêu của Chúa đối với mình, một tình yêu mến lạ lùng nhất: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Để từ đó Ngài có thể thốt lên lời xác quyết của đức tin và cuộc sống cho một khởi đầu mới: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).

Gặp gỡ Chúa Kitô để Rao giảng Tin Mừng: Bất ngờ tiếp theo là tư tưởng của thánh nhân “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”. Từ nay cuộc đời của thánh nhân là sống, chia sẻ, giới thiệu và rao giảng tình yêu và Tin mừng Nước Thiên Chúa, rao giảng Đức Kitô tử nạn Phục sinh cho muôn dân. Những chặng đường truyền giáo dù khó khăn, đầy thử thách, nhưng với thánh nhân tất cả chỉ là dịp để Ngài thực thi và giới thiệu Chân Lý Tình Yêu Cứu độ của Chúa Kitô và mợi gọi mọi người cũng như Ngài: “Mạng sống tôi, tôi coi chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giếu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 21,24).

Quý Ông bà và anh chị em thân mến,

Ngày hôm nay, khi Giáo phận Hà Nội mừng lễ kỷ niệm 45 năm Giám mục, 60 năm linh mục và 90 năm thượng thọ của Đức Hồng Y Phaolô, nhân ngày lễ Quan Thầy của Ngài, chúng ta thấy thật ý nghĩa. Cuộc đời của Đức Hồng Y có thể tóm lại một cụm từ: PHẤN ĐẤU, Ngài đã phấn đấu để gặp Đức Kitô, PHẤN ĐẤU để sống mầu nhiệm tình yêu của Chúa Kito; PHẤN ĐẤU để rao giảng tình yêu của Chúa Kitô với ơn gọi của người Cha, người Thầy người Mục Tử.

Đức Hồng Y Phaolô Giuse sinh tại Ninh Bình, ngay từ nhỏ mới 8 tuổi cậu Phaolô đã lên Hà Nội học với linh mục nghĩa phụ và Cha Phêrô Phạm Bá Trực, khi 10 tuổi đã được vào trường tập Hà Nội, 11 tuổi được gọi vào Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, 21 tuổi học tại Đại Chủng viện Liễu Giai, Hà Nội, 30 tuổi chịu chức Linh mục, phục vụ tại Cô nhi viện Têrêsa Hà Nội, Cha Phó xứ Hàm Long và phụ trách Trung tâm Bác ái Bạch Mai, rồi Giám đốc Tiểu Chủng viện Gioan Hà Nội.

Chúng ta thấy ngay từ nhỏ cậu Phaolô đã luôn phấn đấu để gặp gỡ Đức Kitô: để tin hơn, để yêu mến hơn, để sống điều tin yêu đó bằng sự phấn đấu liên lỉ qua những chặng đường ơn gọi, để biến đổi mình mỗi ngày trọn vẹn hơn, dấn thân hơn cho ơn gọi là môn đệ của Chúa. Năm 44 tuổi đựôc tấn phong Giám mục Bắc Ninh. Khẩu hiệu “chúng con tin ở Tình yêu Thiên Chúa” của ngày biểu lộ ngài luôn phấn đấu với chính mình, từ nay lịch sử cuộc đời gắn liền với những cố gắng mới cho trách vụ tại Bắc Ninh. Ngài đã luôn luôn tin ở tình yêu Thiên Chúa, dù ở cương vị bổn phận, trách nhiệm nào, Đức Hồng Y luôn chọn cho mình sự cố gắng để chia sẻ niềm tin và tình yêu Thiên Chúa của mình cho cộng đoàn và anh chị em.

Thao thức với nhân sự của Giáo phận vì quá ít linh mục, nam nữ tu sĩ, Ngài đã sáng lập Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất, Ngài luôn thể hiện sự khôn ngoan của một NGƯỜI THẦY, và tình thương của NGƯỜI CHA trong cương vị MỤC TỬ, để PHẤN ĐẤU liên lỉ đem Chúa Giêsu Kitô đến với cộng đồng Dân Chúa cũng như anh chị em lương dân. Tiếp tục được mời gọi làm Giám quản Giáo Phận Hà Nội, Tổng Giám mục Hà Nội, Giám đốc Đại Chủng Viện Hà Nội, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đựôc nâng lên tước vị Hồng Y năm 1994. Đức Hồng Y luôn phấn đấu qua hành trình ơn gọi của mình để rao giảng tình yêu của Chúa Kitô; Ngài luôn cố gắng bằng niềm tin, tình yêu mến và sự can đảm của mình với tâm tình của người Cha, người Thầy trong cương vị Mục tử để mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hiểu biết tình yêu Chúa và được mời gọi sống mầu nhiệm tình yêu. Dù khi tuổi già, sức yếu, hay bệnh tật, khi những người tới thăm hoặc chăm sóng Ngài: dù là y bác sĩ, những người phục vụ, cũng như ai tới thăm Ngài đều nhận ra sự an bình, tin yêu và phó thác vào tình yêu Thiên Chúa, và đều cảm nhận Ngài vẫn luôn nâng đỡ mọi người trong nguyện cầu.

Trong ngày hồng ân này, chúng ta không chỉ chúc mừng Ngài, cầu nguyện với Ngài và còn là dịp để cám ơn Ngài vì những cố gắng phấn đấu liên lỉ của Ngài trong cuộc hành trình làm nguời, làm con cái Chúa, làm môn đệ và tông đồ của Chúa. Với ơn Chúa, và phấn đấu của bản thân, Ngài góp phần đem lại nhiều hoa trái cho các Giáo Phận Bắc Ninh, Giáo Phận Lạng Sơn, Tổng Giáo Phận Hà Nội và Giáo hội Việt Nam. Chúng ta hiệp ý xin Thánh Phaolô là đấng quan thày cẩu xin Thiên Chúa nâng đỡ Ngài trong tuổi già, luôn ban cho Ngài nhiều Ơn thánh, sức khỏe và bình an, để Ngài tiếp tục phấn đấu với sự can đảm của tuổi già mà dâng lời cầu nguyện liên lỉ lên Thiên Chúa, để cầu nguyện cho Giáo hội, và cho mõi người chúng ta.

Niềm vui cáng lớn khi chúng ta gặp nhau những ngày cuối năm Âm lịch Đinh Hợi, cùng chuẩn bị bước vào Tết Nguyên Đán Mậu Tý với tâm tình cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất mừng Xuân mới. Xin chân thành kính chúc quý Đức Hồng Y, quý Đức Tổng, quý Đức Cha, quý Cha tổng đại diện, quý cha Bề trên các Dòng, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh và quý ông bà anh chị em, luôn chàn đầy ơn thánh Chúa, bình an, hạnh phúc và niềm vui. Để như thánh Phao lô, mỗi ngày là sự gặp gỡ cá nhân của chúng ta với Đức Kitô để tin hơn, yêu mến hơn mà đổi mới chính mình với những phấn đấu mới, để cuộc đời mỗi chúng ta là phản ánh của Mùa Xuân mới của Tình yêu và hy vọng, để mỗi người chúng ta là chứng nhân cho Tin mừng Tình yêu của Thiên Chúa với thế giới, với con người và với Giáo hội hôm nay. Amen./.

+ Giuse Đặng Đức Ngân

GM Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng

Mục lục

Những sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam năm 2007

 

- Ngày 25.01, 2007 ,ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Biến cố này là một dấu hiệu quan trọng trong quan hệ giữa hai bên. Cùng tháp tùng thủ tướng trong cuộc viếng thăm có 8 người, trong đó có 4 vị Bộ trưởng, đứng đầu là Ông Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng tại phủ thủ tướng, Ông Hoàng Trung Hải, Bô trưởng Công nghệ, Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư, Ông Ngô Yên Thi, trưởng ban tôn giáo của Chính Phủ, Nam, Ông Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ tịch Ủy Ban ngoại giao của quốc hội, Ông Lê Công Phụng, Thứ trưởng ngoại giao và Ông Nguyễn Hữu Vũ, Cố vấn của thủ tướng.

 

- Đức Giám mục PHAOLÔ-MARIA NGUYỄN MINH NHẬT, Nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc qua đời ngày 17.01.2007, hưởng thọ 81 tuổi.

 

- Ngày 22.02. 2007, Lễ Kính Tông Tòa Thánh Phêrô Tông Ðồ, Giáo phận Phan Thiết tổ chức Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thêm cơ sở Toà Giám mục. Công trình bao gồm nhiều hạng mục như: nhà hưu dưỡng các cha, nhà tĩnh tâm, các văn phòng mục vụ...

 

- Phái đoàn Toà Thánh Vatican gồm có Đức Ông Pietro Parolin, Thứ trưởng ngoại giao, Đức Ông Luis Mariano Montemayor, Tham tán Sứ Thần phục vụ tại Phủ Quốc vụ khanh, và Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Chủ sự tại Bộ truyền giáo đã  sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 5 đến 11-3-2007. Phái đoàn đã gặp Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, và Ban Thường Vụ của HĐGM. Các buổi làm việc với Ban Tôn Giáo do ông Nguyễn Thế Doanh chủ tọa, đã diễn ra trong bầu không khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng, giúp duyệt qua việc áp dụng Pháp Lệnh về các tín ngưỡng và tôn giáo, ban hành ngày 18-6-2004, liên quan tới chính sách của chính phủ Việt Nam về vấn đề tôn giáo, việc bổ nhiệm một số GM đang tiến hành, và các vấn đề khác liên quan đến đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Phái đoàn Tòa Thánh đã viếng thăm Thứ Trưởng ngoại giao Lê Công Phụng, Phó chủ tịch Ủy ban ngoại giao thuộc Ủy ban trung ương đảng cộng sản Việt Nam, tiến sĩ Phạm Xuân Sơn, Chủ tịch Ủy ban ngoại giao của Quốc Hội, tiến sĩ Vũ Mão. Trong các dịp đó, vấn đề bình thương hóa quan hệ với Tòa Thánh đã được nêu lên. Phái đoàn đã thăm 2 giáo phận  là Qui Nhơn và Kontum.

 

ĐHY GB Phạm Minh Mẫn viếng thăm mục vụ tại Nhật Bản từ 26-31.3.2007, ngài đã đến thăm cộng đồng người Việt tại Osaka và Tokyo và dâng thánh lễ tại những địa điểm đó.

 

 

-Cha Pascual Chavez, Bề Trên Cả Tu Hội Salêdiêng Don Bosco, Bề Trên Gia Ðình Salêdiêng viếng thăm Việt Nam trong khoảng một tuần, từ 9-15.04.2007. Ngài viếng thăm một số cộng thể Salêdiêng, đặc biệt các cộng thể đào luyện và một số trung tâm dậy nghề.

 

- Ngày 14.04.2007, phòng báo chí Toà Thánh thông báo ĐTC Bênêđíctô XVI đả nhận đơn từ chức của Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục giáo phận Phát Diệm. Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục chính toà Thanh Hoá được Toà Thánh cử làm Giám quản Tông toà giáo phận Phát Diệm trong khi chờ đợi bổ nhiệm giám mục mới.

 

- Ngày 30.4.2007 tại Toà Giám mục Long Xuyên đã có một cuộc gặp mặt của hơn 300 linh mục, tu sĩ và giáo dân trong và ngoài giáo phận, để Mừng Thượng Thọ bát tuần, mừng 32 năm Giám mục của Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, nhân dịp này ngài cũng cho ra mắt bộ sách có tên là “Thao thức” là tập hợp các bài giảng của ngài từ trước tới nay.

- Phái đoàn Ủy ban Bác ái của HĐGM Ý gồm bà Enrica Onarante, Phó chủ tịch và Giáo sư Gianni La Bella đã thăm Giáo Hội Việt Nam từ ngày 14- 19.05.2007, nhằm tìm hiểu tình hình cụ thể tại chỗ để sãn sàng yểm trợ tài chính cho những sáng kiến bác ái thuộc lãnh vực  xã hội và nhân bản.

 

- Bản tin của Tòa Thánh Vatican được phổ biến ngày 29.05.07  cho biết Đức TGM Ngô Quang Kiệt của giáo phận Hà Nội đã được ĐTC Bênêđictô chính thức bổ nhiệm vào làm ủy viên điều hành Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm (Pontifical Council Cor Unum).

 

- Cha Đa Minh Trần Đình Thủ, vị sáng lập Dòng Đồng Công đã qua đời tại Thủ Đức ngày 21.6,2007, hưởng thọ 101 tuổi.


- Ngày 29.06.2007 Lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, tại nhà thờ Chính Tòa Đức Bà TPHCM, Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục đã chủ sự lễ phong chức cho các tân linh mục. Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt và hơn 200 linh mục đã cùng đồng tế trong thánh lễ truyền chức linh mục cho 18 thầy phó tế thuộc khóa 7 Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.

 

- Ngày 14 tháng 7 năm 2007 tại nhà thờ Hiển Linh, Thủ Đức, Saigòn,  diễn ra thánh lễ mừng 50 năm Dòng Tên trở lại phục vụ tại Việt Nam, từ Miền Dòng, Dòng Tên Việt Nam nhận quyết định thành lập Tỉnh Dòng sau 50 năm hiện diện lần thứ hai trên đất Việt. Đây là tỉnh dòng thứ 86 của Dòng Tên trên thế giới.

 

- Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ thần Tòa Thánh tại hai quốc gia Trung Phi (Republique Centreaficaine) và Tchad – châu Phi đã về thăm quê hương Việt Nam ngày 1.7.2006. Ngài sẽ ở lại quê hương trong vòng một tháng.

 

Ngày 17.08.2007 tại khuôn viên nhà Truyền thống giáo phận TPHCM, bộ sách “Hạt nắng vô tư” gồm 5 cuốn đã được chính thức phát hành với sự hiện diện của tác giả Đức cha Giuse Vũ Duy Thống- Chủ tịch Ủy ban Văn hoá HĐGMVN – cùng đông đảo linh mục và đại diện các dòng tu nam nữ. Cuộc gặp gỡ tuy đơn giản nhưng đầy trang trọng

 

- Ngày 08.09.2007 nhằm ngày lễ sinh nhật Đức Maria, tại Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương- Lâm Đồng tổ chức thánh lễ mừng 50 năm Đan Viện hiện diện tại giáo phận Đà Lạt và mừng Kim khánh linh mục cha nguyên viện phụ Stephano Trần Ngọc Hoàng và đan sĩ linh mục Placido Hoàng Trung. Cách Saigon khoảng 300 cây số, Đan Viện tọa lạc dưới một thung lũng thuộc tỉnh Lâm Đồng, thuộc cao nguyên Lang Biang phía nam dãy Trường Sơn, ở độ cao trung bình 1050m  nên Đan Viện có khí hậu quanh năm mát lạnh, giao biệt từ 10 đến 25 độ C.

 

- Ngày 17-9-2007, Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI đã dành cho Hội Ðồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình buổi tiếp kiến đặc biệt nhân ngày lễ giỗ thứ 5 của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Cùng tham dự buổi tiếp kiến này cho những người đứng đầu hai tổ chức "Foundation Thánh Mattheô" để lo vụ phong thánh cũng như để thăng tiến xã hội tại Á Châu và Phi Châu, và "International Observer Francis-Xavier Nguyễn Văn Thuận" với mục đích phổ biến giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Các thân nhân và bạn bè của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê cũng được tham dự vào buổi triều yết này.Ðức Thánh Cha đã đọc một bài diễn văn về Ðức Hông Y Phanxicô Xaviê, nhắc nhở tới gương anh hùng của Ngài. Ðức Thánh Cha cũng vui mừng được tin mở án phong thánh cho Ðức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê. Trong dịp này Hội Ðồng Tòa Thánh cũng cho biết vị cáo thỉnh viên của vụ án phong thánh là Bà Silvia Monica Coreale.

 

- Theo lời mời của Ủy Ban Tôn Giáo thuộc chính phủ Trung Quốc, Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục TPHCM, đã dẫn đầu một phái đoàn Việt Nam gồm 5 thành viên, lên đường viếng thăm Giáo Hội Trung Quốc tại 2 địa điểm Bắc Kinh và Thượng Hải. Phái đoàn của Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn viếng thăm Trung Quốc trong thời gian từ ngày 24-28 .09 .2007.

 

- Các Ðức Giám Mục Việt Nam từ khắp mọi miền Nam Bắc Trung đã có mặt tại Hà Nội để tham dự Kỳ Họp Ðại Hội Thường Niên lần thứ 10 của Hội Ðồng Giám Mục tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Khóa họp được khai mạc vào chiều ngày thứ Hai, mùng 8 tháng 10 năm 2007 và sẽ kéo dài đến hết ngày thứ Sáu 12/10/2007.Chương trình đại hội thường niên năm nay đăt trọng tâm vào 2 vấn đề chính: Bầu Ban Thường vụ Hội Ðồng Giám Mục nhiệm kỳ 2007-2010 và ban hành một thư chung về vấn đề Giáo dục. Ðại hội cũng góp ý và thảo luận về một số vấn đề như:

- Dự thảo chỉ dẫn về đào tạo linh mục của các đại chủng viện Việt Nam.

- Góp ý bản trả lời Lineamenta của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế giới kỳ 12 về "Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh Giáo Hội" sẽ diễn ra tại Rome vào năm 2008.

- Chung quyết một số bản dịch Phụng vụ.

- Thảo luận về 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt nam (1960-2010)

 

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Đà Lạt đã được HĐGNVN bầu chọn vào chức vụ Tân Chủ tịch của HĐGMVN khóa 2007-2010, thay thế Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà vừa hoàn thành tốt đẹp hai nhiệm khoá vừa qua.

 

 

- Ngày 12-10-2007, Phòng Báo Chí Tòa Thánh loan báo: ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Tổng đại diện Giáo Phận Hà Nội kiêm Cha Sở Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội, làm tân Giám Mục giáo phận Cao Bằng - Lạng Sơn.

 

- Ngày 13.10.2007, diễn ra thánh lễ khánh thánh và cung hiến Nhà thờ chính Toà Thái Bình.Các giám mục vừa kết thúc kỳ Đại hội Giám mục tại Hà Nội cũng về tham dự lễ khánh thành. Đức cha F.X Nguyễn Văn Sang, Giám mục Chính Toà Giáo phận Thái Bình, cùng Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã cắt băng khánh thành ngôi thánh đường mới.

 

- Cuộc hội thảo quốc tế về "Công Bình Xã Hội, Trách nhiệm Xã Hội và Liên Ðới Xã Hội" bế mạc vào lúc 18,15g ngày 16-10-2007.Sau hai ngày hội thảo, các tham dự viên đã lắng nghe và thảo luận dựa trên 6 bài thuyết trình chung và 24 bài trình bày trong các tiểu ban. Nếu không kể các phát biểu của Ðức Cha Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và của Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Saigon, trong buổi lễ khai mạc; của Tổng Giám Mục Werner Thissen và của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trong buổi lễ bế mạc; thì phía Công giáo đã trình bày 4 thuyết trình chung và 10 tham luận trong các tiểu ban.

Sáu bài thuyết trình chung do các vị sau đây trình bày:

Về phía Nhà Nước:

- Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Ðức Cường: Công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

- Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Hữu Tầng: Một số vấn đề lý luận thực tiễn xung quanh việc thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Về phía Công Giáo:

- Ðức Ông Joseph Sayer: Liên đới Kitô giáo trong thế giới tòan cầu hóa.

- Ðức Giám Mục Bùi Văn Ðọc: Xây dựng xã hội công bằng theo học thuyết xã hội Công giáo.

- Ðức Hồng Y Keit O'Brien: Công bằng, trách nhiệm và liên đới trong sự cam kết xã hội của tòan thể giáo dân;

- Ðức Tổng Giám Mục Werner Thissen: Những giá trị và nguyên lý cơ bản của học thuyết xã hội Công giáo.

Buổi lễ bế mạc do Ðức Ông Joseph Sayer chủ tọa với bài phát biểu đặt biệt của Tổng Giám Mục Werner Thissen và Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, sau đó là ba bài lượng giá tổng kết của Giáo Sư Tiến sĩ Trần Văn Ðoàn, Tiến sĩ Martin Duetting và Giáo Sư Tiến sĩ Phạm Văn Ðức

 

- Ngày 13.11.2007 Ðại Hội Yao Phu Và Hướng Tới Năm Thánh Yao Phu Giáo Phận Kontum

 

- Ngày 03.12.2007, tại nhà thờ Chính Toà giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng đã diễn ra Thánh Lễ tấn phong Cha Giuse Ðặng Ðức Ngân làm tân Giám Mục coi sóc giáo phận. Ðây là một biến cố trọng đại, sau hơn hai năm trống toà, giáo phận đã có vị tân Giám mục trẻ trung tài đức - Giám mục chính toà thứ ba của giáo phận.

 

- Ngày 03.12.2007 Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã gửi một bức tâm thư đến mọi thành phần Dân Chúa trong Tổng giáo phận Sài Gòn nội dung nói về cơ sở nhà và đất tại số 6 và 6bis Tôn Đức Thắng, quận I gồm 4.000m2 là tài sản của giáo phận nhưng từ năm 1976 đến nay, Nhà Nước đã giao cơ sở nhà đất này cho Viện Quy hoạch và Thiết kế thuộc Bộ Xây Dựng để làm văn phòng, sau đó lại biến thành xưởng cưa, cuối cùng làm thành nhà ở cho cán bộ công nhân viên, hiện nay có hơn 50 hộ gia đình đang sống tại đây. Đức Hồng y kêu gọi mọi người thêm lời cầu nguyện trong tâm tình của Lời Kinh hoà bình để sớm có một giải pháp tốt đẹp trong vấn đề này.

 

 

- Ngày 20.12.2007 tại Tòa Tổng giám mục, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã có một buổi họp với các linh mục hạt trưởng, Bề Trên các dòng nam, nữ cùng đại diện thành phần dân Chúa của các đoàn thể, các giới trong Tổng Giáo Phận để lấy ý kiến cho việc tồ chức Tổng Kết Tình Hình Mục Vụ TGP TP.HCM trong 10 năm kể từ ngày ngài về coi sóc giáo phận cho đến nay (1998-2008)

 

Ngày 15.12.2007, ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã gửi một bức thu mời gọi mọi thành phần Dân Chúa trong Tổng giáo phận Hà Nội cầu nguyện cho cơ sở Toà Khâm Sứ được nhà nước trả về cho Giáo hội. Sau đó kể từ ngày 18.12 đông đảo giáo dân và linh mục trong giáo phận đã đến Toà Khâm Sứ để cầu nguyện  trong ôn hoà để nhà nước tôn trọng sự thật vả thực thi công lý.

 

 

Hoàng Vũ tổng hợp

Mục lục

 

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

LƯƠNG TÂM

Đối với con người ngày nay, lương tâm là một trong những vấn đề thường gây nhiều tranh cãi, nhưng cũng được rất nhiều người quan tâm tới. Người ta nói nhiều về lương tâm, bàn nhiều về lương tâm, đề cao vai trò của lương tâm trong cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như của xã hội: hãy sống và hành động theo lương tâm! Nhưng lương tâm là gì? Giáo huấn Kitô giáo nói gì về lương tâm?

Lương tâm là gì?

Tự điển Webster’s Encyclopedic Unabridged Dictionary of the English Language đưa ra một số định nghĩa về lương tâm: 1/. Conscience: The sense of what is wright or wrong in one’s conduct or motives, impelling one toward right action: Let your conscience be your guide. 2/. The complex of ethical and moral principles that controls or inhibits the actions or thought of an individual.

Tự điển Longman Dictionary Contemporary English, the Living Dictionary, định nghĩa về lương tâm như sau: Conscience: The part of your mind that tells you whether what you are doing is morally right or wrong.


Tự điển Pocket Catholic Dictionary của John A. Hardon S.J, thì lương tâm là sự phán đoán của trí khôn thực hành. Sự phán đoán này dựa vào những nguyên tắc tổng quát của đức tin và lý trí để quyết định cách hành động này là tốt hay xấu. Một hành động đúng hay sai là dựa vào những nguyên tắc, những định luật khách quan. Những nguyên tắc, những định luật này không do con người, không do lương tâm con người sáng tạo ra, nhưng do chính Thiên Chúa, nhưng trí khôn con người có thể nhận ra và phải tuân theo [1].

Trong tác phẩm “La Légende des Siècles”, đại văn hào Victor Hugo đã cụ thể hóa lương tâm con người bằng hình ảnh của một con mắt tinh quái, đeo đuổi con người khi con người làm điều gian ác. Con mắt đó đã theo dõi Cain sau khi Cain giết chết em mình là Abel. Victor Hugo gọi lương tâm là “Trời hiện diện trong con người”.

Ménadre cho rằng tiếng nói của lương tâm chính là tiếng nói của Trời trong mỗi con người chúng ta; còn Quintilien thì coi lương tâm có giá trị bằng cả ngàn nhân chứng và một hành động xấu nào đó của ta được tòa án tha bổng thì “không một tội nhân nào lại được tòa án lương tâm tha thứ” [2].

Anselm Gunthor [3] (tác giả của giáo trình Thần Học Luân Lý Chiamata e Risposta, được tái bản lần thứ VII vào năm 1994) cho rằng Thiên Chúa, Đấng tự tỏ lộ cho con người và kêu gọi con người sống hiệp thông với Người và tuân giữ các lề luật của Người, cũng ban cho con người khả năng nhận biết và đáp trả tiếng gọi của Người, với lời của lề luật. Cái khả năng nhận biết và đáp trả này chúng ta gọi nó là lương tâm.

Thánh Kinh nói gì về lương tâm?

Ngoài đoạn văn trong văn chương khôn ngoan muộn thời (Kn 17,11), Cựu Ước không biết đến một từ ngữ đặc biệt để chỉ lương tâm, nhưng Cựu Ước lại biết rất rõ sự kiện của lương tâm, mà thường được trình bày như là cái tâm xấu, một cái tâm sau khi đã phạm tội (x. Kn. 3,8; 2Sm .12,13).

Đối với Thánh Kinh Cựu Ước, thì lương tâm luôn là lương tâm trước mặt Thiên Chúa. Con người luôn luôn đứng trước Thiên Chúa để trả lẽ về những hành vi của mình: đúng đắn, tốt đẹp hoặc bậy bạ, xấu xa. Ngoài ra, trong hành vi của lương tâm, thì không phải chỉ có cái tâm, nhưng là toàn bộ con người đang hành động [4].

Trong Tân Ước, các sách Phúc Âm cũng không có một từ ngữ nào đặc biệt để chỉ lương tâm. Lương tâm được gắn chặt vào lãnh vực thầm kín của con người và được ám chỉ bằng từ tinh thần (pnéuma) hoặc tấm lòng (kardia). Tuy nhiên, cũng như Cựu Ước, các sách Phúc Âm đặc biệt nói đến sự kiện của lương tâm xấu sau hành động xấu (x. Lc. 15,21; Lc. 22,62). Thái độ, lối sống và cách ứng xử của người biệt phái làm thành những ví dụ cụ thể và rõ ràng về một thứ lương tâm đã bị biến chất, thoái hóa trở thành cái tâm chai đá và hư hỏng.

Thánh Phaolô đã dùng từ Hy Lạp Syneidaesis để chỉ lương tâm. Tuy nhiên, từ này cũng không có ý coi lương tâm chỉ như là một phần của cơ thể người, nhưng ám chỉ cả con người và cả con người đó luôn hiện diện cách trọn vẹn trước mặt Chúa và phải trả lẽ với Chúa về những hành vi nhân linh của mình. Với thánh Phaolô, từ syneidaesis thường chỉ về lương tâm theo nghĩa luân lý. Chẳng hạn trong thư Roma 2,15: ”Lương tâm họ làm chứng cho dân ngoại rằng lề luật đã được viết trong lòng họ”. Ý nghĩa luân lý của từ syneidaesis còn được sử dụng trong các thư mục vụ của Phaolô như tâm tốt (1Tm. 1,5); tâm trong sạch (2Tim. 1,3); tâm nhiễm uế (Tt 1,15).

Ngoài ra, lương tâm theo nghĩa tôn giáo-luân lý xuất hiện cách đặc biệt trong Rm 14: (được phép hay không được phép ăn thịt cúng); 1Cr. 8: (phẩm chất luân lý của việc ăn thịt trước khi cúng cho các thần minh dân ngoại); 1Cr. 10,14tt: (tham dự vào các bữa tiệc cúng tế của dân ngoại và việc ăn thịt đã cúng tế).

Công Đồng Vatican II dạy gì về lương tâm?

Công Đồng Vatican II coi lương tâm như là khả năng nhờ đó con người nắm bắt được tiếng gọi của Thiên Chúa cùng với các huấn lệnh của Người tức là các lề luật: “Nhờ lương tâm, con người nhận thức và hiểu biết những mệnh lệnh của Thiên Chúa” (DH 3). Tuy nhiên, cũng như Thánh Kinh, Công Đồng không coi lương tâm chỉ như một phần của con người, nhưng là cả con người đang hành động qua mỗi hành vi nhân linh của mình. Đặc biệt số 16 của Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng, Công Đồng nói đến thật rõ ràng và đầy đủ về lương tâm:

“Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa.

“Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em, và được biểu lộ cách kỳ diệu.

“Trung thành với lương tâm, các Kitô hữu liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Bởi vậy, lương tâm ngay thẳng càng thắng thế, những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý.

“Tuy nhiên, lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng, nhưng cũng không vì thế mà mất hết phẩm giá. Nhưng không thể nói được như vậy khi con người ít lo lắng tìm kiếm điều chân và điều thiện cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng” (GS 16).

Lương tâm mà Công Đồng nói đến chính là cái Tính bản thiện, (Nhân chi sơ, tính bản thiện), là cái tâm thiện, cái tâm tốt lành, cái chính tâm hay thiện tâm, là cái tâm mà chính Thiên Chúa đã phú ban cho mọi người và cho mỗi người khi dựng nên con người theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa [5].

Người có lương tâm, với cái tâm ngay chính là người biết quan tâm sao cho những ý nghĩ, những lời nói, những quyết định hành động của mình được khách quan, đúng đắn và có trách nhiệm. Người có lương tâm, với cái tâm chân thật sẽ cho là tốt điều mà khách quan là tốt. Sẽ cho là xấu điều mà khách quan là xấu. Ngưới có lương tâm, với cái tâm tế nhị, sẽ có được sự nhạy bén, tinh tế nhờ đó nhanh chóng nhận biết các giá trị khách quan và nhiệt tình muốn thực hiện các giá trị khách quan ấy.

Tuy nhiên, do tác động của tội lỗi, lương tâm con người “nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng” [6] (như trường hợp của Saulô, cho rằng Kitô giáo là một thứ tà đạo, một thứ lạc thuyết nguy hại cho đức tin tinh tuyền của Do Thái giáo nên cần phải bị tiêu diệt), hoặc đã dần dần bị biến chất, thoái hóa và suy đồi. Cái tâm thiện, cái chính tâm, nơi một số người đã hóa thành cái ác tâm, dã tâm, tâm bất chính hay tà tâm, đang gây nên biết bao tai hại cho chính mình và cho tha nhân.

Sự biến chất, thoái hóa của lương tâm thường đuợc nhận dạng qua những biểu lộ như:

1/ Tâm bất chính: Người có tâm bất chính thường không quan tâm hoặc không quan tâm cách đầy đủ trong việc tìm hiểu và hành động đúng theo những đòi hỏi của những chân lý khách quan. Thí dụ: làm giàu bất chính, gian lận hoặc lừa đảo, miễn sao có được nhiều tiền.

2/ Tâm sai lầm: Người có tâm sai lầm cho là tốt điều mà khách quan là xấu và cho là xấu điều khách quan là tốt. Tâm sai lầm còn có thể là sai lầm bất khả thắng (thí dụ trường hợp của Phaolô khi chưa gặp Chúa trên đường Damas) và sai lầm khả thắng.

3/ Tâm phóng thứ hay phóng túng: Người có tâm loại này không đếm xỉa gì đến dư luận, chẳng kể gì đến ô uế, sĩ nhục, miễn là người ấy có thể thỏa mãn được dục vọng của mình. Để thỏa mãn dục vọng của mình, người đó có thể và dám làm mọi việc, không còn biết e thẹn, xấu hổ là gì. Người có tâm phóng túng chạy theo một lối sống buông thả, để cho những ham muốn dục tình chế ngự mình. Chính những ham muốn dục tình thái quá và cuộc sống buông thả làm cho người đó mất cả nhân cách.

4/ Tâm chật hẹp: Người có tâm loại này luôn bị gò bó và luôn bị giới hạn trong phạm vi mệnh lệnh như phải làm điều này, được phép làm điều kia, cấm không được làm điều này hoặc điều kia... tâm chật hẹp sẽ khiến cho người đó dễ có thái độ bất mãn, hoặc bất mãn chính mình hoặc bất mãn những người khác vì không chịu tuân theo mệnh lệnh hay luật lệ quy định. Tâm chật hẹp chỉ nhằm tránh điều cấm đoán hơn là vượt qua điều xấu bằng điều tốt.

5/ Tâm giả hình: được pha trộn giữa tâm phóng thứ và tâm chật hẹp. Người có tâm giả hình thì ngôn-hành thường bất nhất. Nói vậy chứ không phải vậy. Bằng mặt nhưng không bằng lòng.

6/ Tâm chai đá: Là một cái tâm đã trở nên chai cứng nên mất cảm giác, không còn khả năng cảm xúc. Tuy nhiên, sự chai cứng của tâm chai đá không phải là việc một sớm một chiều nhưng trải dài qua thời gian. Chẳng hạn, không một ai trong một sớm một chiều trở nên đại tội nhân. Lúc đầu khi phạm tội, người ấy cảm thấy sợ hãi, lo âu, ghê tởm tội lỗi, lương tâm cắn rứt, khổ sở, buồn sầu, hối tiếc vì mình đã phạm tội. Nhưng nếu cứ tiếp tục phạm tội, đến một lúc nào đó, anh ta sẽ mất tất cả mọi cảm xúc vừa nêu và rồi có thể làm những điều xấu hổ nhất mà không một chút xúc động: tâm của anh ta đã ra chai lỳ.

7/ Tâm hồ nghi: Gồm có hồ nghi pháp lý (không biết một việc nào đó có được phép làm hay không) và hồ nghi sự kiện (không biết một cuộc giải phẫu nào đó có làm thành một triệt sản hay không).

Qua phần trình bày về lương tâm trên đây, công đồng muốn khẳng định một số chân lý quan trọng sau đây:

1/. Lương tâm phải chiếm một địa vị nổi bật, nhất là trong thời đại chúng ta, thời mà từng cá nhân và lương tâm của họ càng ngày càng được đề cao, nhưng đàng khác, quyết định của lương tâm cá nhân bị ngăn trở, bị đe dọa hoặc bị hướng dẫn theo chiều hướng lệch lạc do các phương tiện truyền thông.

2/. Lương tâm chính là sự hiện diện của con người trước mặt Thiên Chúa. Lương tâm xét cho cùng là hiện tượng tôn giáo chứ không chỉ là luân lý vì có mối tương quan chặt chẽ giữa lương tâm với Thiên Chúa. Do đó, theo Công Đồng, nếu chỉ nhìn lương tâm theo cái nhìn thuần túy tâm lý và xã hội thì quả là còn thiếu xót.

3/. Lương tâm con người không độc lập (autonomous) nhưng tùy thuộc vào Thiên Chúa, vào các lề luật của Thiên Chúa và vào chân lý khách quan. Do đó, Công Đồng chống lại mọi thứ duy chủ quan sai lầm.

4/. Lương tâm cá nhân có thể và phải liên kết với những người khác. Khi người ta nghiêm chỉnh hướng lương tâm về trật tự khách quan của hữu thể, của bổn phận, thì các lương tâm của các cá nhân không những hướng về chân lý mà thôi, mà còn quy hướng về cộng đoàn nữa: Trung thành với lương tâm, các Kitô hữu liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý...” (GS 16).

Giáo dục lương tâm, huấn luyện lương tâm chính là giúp cho con người nhận thức được sự biến chất, thoái hóa cái tâm của mình và cố gắng cải thiện, cố gắng điều chỉnh để đưa cái tâm bị biến chất, thoái hóa về với cái chính tâm, cái tâm thiện tức là lương tâm . Nhờ sự hướng dẫn của lương tâm, mỗi người, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, luôn có thể lắng nghe, nhận ra được Ý Chúa và quyết tâm đem ra thực hành.

+ Gm. Stephano Tri Bửu Thiên

Mục lục

Ánh lửa Đức tin

Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, cây nến Rửa tội của người tín hữu Công giáo Chúa Giêsu Kitô được đốt thắp lên từ Cây Nến Chúa Phục sinh.

Ánh sáng đó là ánh sáng Đức Tin vào Thiên Chúa cho tâm hồn con người trong đời sống.

Ánh sáng đó không chỉ được đốt thắp lên ngày chịu Bí tích Rửa tội, nhưng trong suốt đời sống: ngày Rước Lễ lần đầu; ngày Bạn Trẻ lãnh nhận Bí tích Thêm sức; ngày đôi bạn trẻ nam nữ trước bàn Thờ Thiên Chúa trao cho nhau chiếc nhẫn Bí tích Hôn phối; ngày lãnh nhận Chức Thánh Phó tế, Linh mục, Giám mục; ngày Khấn Dòng ; ngày sau cùng đời sống lữ hành nơi trần gian: trên cỗ áo quan hay trên nấm mồ người đã qua đời.

Và mỗi khi đọc kinh cầu nguyện chung hay riêng tư.

Ánh sáng đó củng cố tâm hồn niềm tin người tín hữu Chúa Giêsu Kitô. Và khi ánh sáng đó chiếu tỏa ra, muốn nói lên lòng xác tín:

“Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban đức tin. Nhưng bạn có thể là chứng nhân của đức tin.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban đức cậy. Nhưng bạn có thể mang tin tưởng đến cho tha nhân.

Chì có Thiên Chúa mới có thể ban đức ái. Nhưng bạn có thể chỉ cho ngưòi khác biết phải yêu thương thế nào.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban bình an. Nhưng bạn có thể gieo rắc sự hiệp nhất.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sức mạnh. Nhưng bạn có thể ở bên cạnh để nâng đỡ người thất vọng.

Chỉ có Thiên Chúa là đường. Nhưng bạn có thể chỉ con đường ấy cho anh chị em.

Chỉ có Thiên Chúa là ánh sáng. Nhưng bạn có thể làm ánh sáng đó tỏa rạng trước mặt tha nhân.

Chỉ có Thiên Chúa là sự sống. Nhưng bạn có thể truyền cho người khác ý chí muốn sống.

Chỉ có Thiên Chúa làm được những điều dường như không thể được. Nhưng bạn có thể
làm được những điều có thể được.

Chỉ có Thiên Chúa là Đấng tự hữu. Nhưng Ngài muốn nhờ vào bạn”. (Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận.).

Lễ nến 02.02.

Lm. Nguyễn Ngọc Long

TỤC LỆ NGÀY TẾT VỚI NHÀ ĐẠO

Tết đối với người Việt Nam chúng ta là một ngày trọng đại. Từ ngàn xưa đã có những nét đẹp văn hóa ngày Tết mà cho đến nay vẫn tồn tại và cần được phát huy. Người Việt Nam Công giáo cũng tiếp nhận những phong tục tốt đẹp này theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là "Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn ta đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc".

Sau đây là ghi nhận một số những tục lệ tốt đẹp ngày Tết mà nhiều nơi đang áp dụng.

Tảo mộ

Người Việt Nam có tục lệ đi tảo mộ ngày cuối năm, cứ từ khoảng 23 tháng Chạp trở đi, người ta đến các nghĩa trang để sửa sang lại phần mộ ông bà tổ tiên, cha mẹ đã quá cố. Tục lệ này nói lên lòng tri ân, tưởng nhớ người đã khuất nhân dịp đón xuân mới. Người Công giáo cũng tiếp nhận điều tốt đẹp này, nên dịp cuối năm, các nghĩa trang giáo xứ luôn luôn có đông đảo giáo dân đến viếng, quét vôi, dọn cỏ, trồng hoa, thắp hương và hơn hết là dâng lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

Lễ tất niên tạ ơn

Tại nhiều xứ, ngoài lễ tạ ơn chung của giáo xứ, các khu họ đều xin lễ tất niên vào tuần lễ giáp Tết. Tùy theo số khu họ trong một giáo xứ mà cha xứ sắp xếp để mỗi khu họ có được một thánh lễ riêng. Toàn thể giáo dân trong khu họ được mời tham dự với hương hoa, của lễ và những ý nguyện riêng mà tựu trung là tạ ơn, cầu nguyện cho những người mới qua đời trong năm, cầu xin cho một năm mới bình an. Sau thánh lễ, tùy theo điều kiện, bà con quây quần liên hoan để có dịp chia sẻ tâm tư, tình cảm vui buồn. Tạo tình đoàn kết yêu thương nhau trong tinh thần "Góp gạo nấu cơm chung" nhẹ nhàng nhưng đậm đà tình nghĩa.

Đón ông bà

Chiều 30 Tết, theo phong tục Việt Nam , mỗi gia đình thường dọn một mâm cỗ, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên theo ý nghĩa đón ông bà về ăn Tết với con cháu. Tục lệ này cũng được đón nhận nơi đồng bào Công giáo. Nhiều giáo xứ, ngay từ sáng 30 đã mở cửa nhà hài cốt, nhà tưởng niệm... để giáo dân đến kính viếng, mời ông bà tổ tiên cùng chứng kiến những ngày Tết xum họp của con cháu. Ai ai cũng xin ông bà cầu bầu cùng Thiên Chúa chúc lành cho con cháu trong năm mới và còn hiệp ý xin lễ cầu nguyện cho các ngài (qua các thùng xin lễ).

Đón giao thừa

Đón giao thừa là một nét đẹp không thể thiếu của các gia đình Việt Nam dù ở thôn quê hay thành thị. Trước giờ giao thừa, mọi người dù ở đâu, làm gì cũng cố gắng trở về quây quần bên nhau để chờ đón giây phút linh thiêng. Với người Việt Nam Công giáo, từ sau Công đồng Va-ti-ca-nô II, Giáo hội Việt Nam đã đề nghị các giáo xứ tổ chức thánh lễ tạ ơn cuối năm trước giờ giao thừa. Trong thánh lễ này cũng có dành thời gian để mục tử và đoàn chiên nhìn lại sinh hoạt mục vụ năm cũ, đề ra những chương trình cho năm mới. Phần cuối lễ thường là dành để cộng đoàn, cha xứ cùng chúc mừng năm mới với những tràng vỗ tay hoan hỉ. Thánh lễ thường kết thúc khoảng 23 giờ để mọi người trở về gia đình đón giao thừa.

Hái lộc

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, theo tinh thần Hội nhập văn hóa, hầu như tại các xứ đạo đều có tổ chức "hái lộc đầu xuân". "Lộc" ở đây là các phong bao lì xì, trong có kèm một câu trích trong sách Tin Mừng, được treo trên các chậu cảnh hay những cành đào, cành mai đặt trên cung thánh. Sau lễ giao thừa, mọi người lần lượt lên "hái lộc Lời Chúa". Mỗi câu Lời Chúa nhận được như là ý Chúa gửi đến mỗi người, mỗi gia đình. Hiện nay, với công nghệ in ấn hiện đại, mỗi gia đình thường được cha xứ và Hội đồng Giáo xứ gửi biếu một tờ lộc in lớn, còn hái lộc tại nhà thờ là lời Chúa gửi đến từng cá nhân người đón nhận.

Giờ kinh giao thừa

Sau thánh lễ tại nhà thờ, gần tới giờ giao thừa, cha mẹ con cái họp nhau đầy đủ trước bàn thờ nơi gian nhà chính; quần áo chỉnh tề, trang nghiêm, tâm hồn thanh thản, vui tươi sẵn sàng chào đón năm mới. Đúng giờ giao thừa, mỗi người cầm một thẻ nhang đã đốt sẵn, cùng nhau cử hành nghi lễ. Chương trình cơ bản là: - lời nguyện mở đầu của cha hay mẹ - tuyên xưng đức tin - suy tôn Lời Chúa - các thành viên dâng lời nguyện tự phát - tôn kính tổ tiên qua nghi thức dâng hương bái tạ. Hát một bài tạ ơn.

Sau đó con cái lần lượt đến chúc thọ ông bà, chúc tuổi cha mẹ. Các bậc bề trên nhắn nhủ, chúc lành cho các con cháu. Kết thúc là phần liên hoan đón mừng năm mới của gia đình.

Trên đây là một số ghi nhận của người viết qua các gia đình Công giáo ở nhiều nơi, thành phố, nông thôn đã thực hiện. Rất mong những phong tục tốt đẹp đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được duy trì và phát huy vì "những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người" (Hiến chế Tín lý về Giáo hội 17,1)

Trích trong báo CGVDT, tác giả Minh Đỗ

Mục lục

 

NĂM MỚI TA GIEO GÌ ?

Những ước mong

Phải nhận nhận rằng mình chưa đạt tới mức hoàn mỹ. Con người còn phấn đấu nhiều hơn để thăng tiến bản thân, cũng như giúp người khác thăng tiến, vì con người luôn cần có nhau, dắt dìu nhau, nâng đỡ nhau, tựa nương , ủi an nhau, đồng hành với nhau, và, luôn ước mong mọi sự tốt đẹp đến cho nhau.

Gieo gì thì gặt nấy. Quả thật, có quá nhiều thứ để gieo, vì đời người lắm ước mong, nhiều hy vọng. Mơ thấy tương lai tốt đẹp và hy vọng điều ấy sẽ thành hiện thực. Chính vì vậy mà ta thường chúc những điều tốt mau đến với nhau trong các dịp lễ hội, lễ Tết.

Ước mong về tiền bạc, về sức khoẻ, về trí thức, về đạo đức; ước mong về hiệp nhất, về yêu thương; ước mong về học vấn, về tương lại, về sự nghiệp; rồi lại ước mong về tình duyên, về hạnh phúc; ước mong về đời này, về đời sau, và còn nhiều ước mong lắm.

Ước mong sẽ tìm lại được mọi sự tốt lành mà Thiên Chúa đã ban cho con người từ thuở ban đầu. Bởi cái thiện ấy đã hoặc bị mất đi, bị thương tổn hay đang lu mờ dần theo năm tháng, do những hoàn cảnh từ phía bên trong hay từ bên ngoài.

Ước mong ta sẽ tìm được sự thanh thản và bình yên trong một thế giới có nhiều bất trắc, nhiều bất ngờ, nhiều điều ta không thể hiểu được.

Ước mong nỗi đau mà và những xung đột mà ta đã từng trải qua sẽ là nguồn sức mạnh để vươn lên, dám đối diện những thử thách với lòng dũng cảm, can đảm và lạc quan.

Ước mong ta sẽ khám phá được lòng mình một cách sâu sắc lòng tốt của người khác để tin tưởng nơi họ cũng như tin vào một thế giới bình yên, bởi vẫn còn có những người tốt bên cạnh ta.

Ước mong những điều ta cảm thấy là khiếm khuyết trong hiện tại sẽ được bổ khuyết và trở thành thế mạnh trong tương lai.

Ước mong ta sẽ nhìn thấy được tương lai của mình như là một đầy đủ sự hứa hẹn về những khả năng.

Ước mong ta sẽ tìm được hướng đi, tìm được lý tưởng cuộc đời để quyết tâm dồn hết tâm trí và sức lực đầu tư cho lý tưởng đã chọn.

Ước mong ta sẽ tìm thấy đầy đủ sức mạnh tinh thần để chọn lựa tự quyết định một cách sáng suốt mọi tình huống dù tệ hại mà không bị bất cứ một người nào phán xét, chê trách vì kết quả đó.

Ước mong ta luôn cảm thấy mình đáng yêu, hạnh phúc, và người khác cũng đáng yêu không kém. Và cũng hãy nhớ rằng, trên đời này vẫn có nhiều người còn yêu thương, đang ở bên cạnh ta. Ta vẫn còn được người khác quan tâm.

Hãy nhớ trong cuộc sống, những va chạm và đau khổ ta gặp phải sẽ ít hơn so với những ước mơ và hạnh phúc mà ta sẽ có.

Quả thực, cuộc đời lắm chuân chuyên, nhiều gian nan thử thách, dù vậy, hãy nhớ rằng mặt trời vẫn luôn chiếu sáng dù khi cơn bão có vẻ như kéo dài vô tận.

Mẩu truyện

Có một cậu bé nghèo làm nghề bán hàng rong để kiếm tiền ăn học. Một ngày nọ, nhận thấy mình chỉ còn có một hào mà bụng thì đói, cậu sang nhà kế bên xin một bữa ăn. Một phụ nữ trẻ đẹp ra mở cửa. Cậu bé ngượng ngùng không dám xin bữa ăn, chỉ dám xin được uống một cái gì đó cho đỡ đói. Đoán cậu đang đói, phụ nữ cho cậu một ly sữa.

Cậu bé uống chầm chậm từng ngụm sữa, và hỏi: “Thế cháu phải trả cô bao nhiêu ạ ?”

Người phụ nữ đáp :“Cháu không nợ cô gì cả. Cháu biết không, mẹ cô đã dạy không bao giờ nhận tiền trả cho lòng tốt !”

Cậu bé cảm kích đáp: “Thưa cô, cháu xin biết ơn cô từ sâu thẳm trái tim cháu...”

Khi chào người phụ nữ tốt bụng ra về, cậu cảm thấy khỏe khoắn hơn nhiều. Không phải chỉ bởi ly sữa mà còn bởi lòng cảm thông của người phụ nữ. Cậu phấn khởi, tự tin hơn và thấy cuộc đời còn có ý nghĩa. Cậu can đảm hơn trước nhiều so với lúc trước đó, cậu gần như muốn xuôi tay đầu hàng số phận.

Nhiều năm sau, người phụ nữ ấy lâm bệnh ngặt nghèo, các bác sĩ địa phương đều bó tay, phải cho chuyển bà lên thành phố để các chuyên gia nghiên cứu căn bệnh lạ lùng này. Tiến sĩ Howard Kelli được mời đến tham vấn. Ông khoác áo choàng, đi đến phòng bệnh. Ông nhận ra ngay ân nhân của mình năm xưa. Quay về phòng hội chẩn, ông quyết định sẽ dốc hết sức để cứu sống bệnh nhân này. Và cuối cùng, nỗ lực của ông đã có kết quả.

Tiến sĩ Kelli đề nghị phòng y vụ chuyển tờ hóa đơn viện phí bà cho bà. Bà nhìn tờ hóa đơn, và buồn bã hiểu rằng mình sẽ còn phải làm việc hết đời mới có thể thanh toán hết mọi chi phí. Biết được ý,  tiến sỹ lấy lại hoá đơn và viết vài chữ bên lề tờ biên lai rồi gởi lại cho người phụ nữ.

Lần này, bà chú ý đến một hàng chữ ngắn ngủi bên lề tờ biên lai : “TRỊ GIÁ HÓA ĐƠN = MỘT LY SỮA.

Ký tên: Tiến sĩ Howard Kelli

Ta gieo gì ?

Ta chuẩn bị, làm gì cho năm mới này, cho tương lai. Ta gieo những hạt giống nào ? Gieo sự sống hay sự chết. Gieo tình yêu hay oán thù. Gieo đoàn kết hay chia rẽ. Gieo bình an hay lo sầu. Gieo hoà bình hay chiến tranh. Gieo tha thứ hay kết án. Gieo cảm thông hay lên án. Gieo chia sẻ hay thu góp.

Vậy ta sẽ gieo gì ?

Nếu gieo thành thật, ta sẽ gặt lòng tin

Nếu gieo lòng tốt, ta sẽ gặt thân thiện

Nếu gieo khiêm tốn, ta sẽ gặt cao thượng

Nếu gieo kiên nhẫn, ta sẽ gặt chiến thắng

Nếu gieo cẩn trọng, ta sẽ gặt hoà thuận

Nếu gieo chăm chỉ, ta sẽ gặt thành công

Nếu gieo chịu đựng, ta sẽ gặt thân thiện

Nếu gieo nhẫn nhục, ta sẽ gặt cộng tác

Nếu gieo niềm tin, ta sẽ gặt phép mầu

Và, ta cũng phải nhớ rằng :

Nếu gieo dối trá, ta sẽ gặt ngờ vực

Nếu gieo ích kỷ, ta sẽ gặt cô đơn

Nếu gieo kiêu căng, ta sẽ gặt huỷ diệt

Nếu gieo đố kỵ, ta sẽ gặt phiền muộn

Nếu gieo lười biếng, ta sẽ gặt ngu muội

Nếu gieo cay đắng, ta sẽ gặt cô lập

Nếu gieo tham lam, ta sẽ gặt tổn hại

Nếu gieo tầm phào, ta sẽ gặt kẻ thù

Nếu gieo lo lắng, ta sẽ gặt âu lo

Nếu gieo an bình, ta sẽ gặt bình an

Nếu gieo tha thứ, ta sẽ gặt thứ tha

Nếu gieo lỗi tội, ta sẽ gặt tội lỗi

Nếu gieo tình yêu, ta sẽ gặt sự sống

Gieo gì thì gặt nấy. Gieo gió ắt sẽ gặp bão. Ta hãy cẩn thận những gì mình gieo hôm nay. Vì hôm nay ta thế nào là do chọn lựa và quyết định của ta hôm qua ra sao. Tương lương lai của ta ra sao là tuỳ thuộc vào chọn lựa và quyết định của ta hôm nay thế nào.

Thanh Thanh

Mục lục

 

NĂM MẬU TÝ

TẢN MẠN CHUỘT MÁY TÍNH

 

Đến cuối năm 2008, CHUỘT MÁY TÍNH tròn 40 tuổi. Càng “già” chuột càng đẹp, càng tiện ích hơn. Càng ngày “công nghệ chuột” được cải thiện về chất lượng và tính năng như: nhẹ, đẹp, rẻ, hình dáng nhỏ gọn vừa lòng bàn tay, có loại đặc biệt cho người thuận tay trái, độc đáo theo sở thích và thời trang, nhạy hơn, chính xác hơn.

 

Cha đẻ của chuột

 

Sau 2 năm nghiên cứu, chuột máy tính chào đời vào một ngày cuối năm 1968. Nhà phát minh người Mỹ, Tiến sĩ Douglas Engelbart nhận Giấy Chứng Nhận Bằng Sáng Chế số: 3.541.541, cấp ngày 17.11.1970, ghi rõ tên đầu tiên của chuột là “bộ định vị x-y”.

Douglas Engelbart chào đời năm 1925, tại bang Oregon, Mỹ.

Năm 1942, ông theo học ngành kỹ sư điện tử tại trường đại học bang Oregon, sau hai năm gián đoạn để gia nhập quân đội, ông tốt nghiệp loại xuất sắc vào năm 1948.

Ra trường, ông làm việc tại phòng thí nghiệm NACA Ames, tiền thân của viện NASA ngày nay. Chính từ đây, ông bắt đầu hình thành khái niệm “phát triển ý tưởng nhân loại”.

 

Cụm từ “phát triển ý tưởng nhân loại” của ông mang ý nghĩa làm sao cho mọi người có cơ hội để được nâng cao và phát huy khả năng của mình, để có thể giải quyết được những tình huống phức tạp trong đời sống, vừa đạt tới sự hiểu biết đủ để đáp ứng cả những nhu cầu rất riêng tư.

Ông đã đơn giản hoá cách vận dụng máy vi tính, biến nó từ một loại “siêu máy móc”, chỉ những nhà khoa học cao siêu mới sử dụng được, trở thành một công cụ gần gũi với tất cả mọi người!

 

Năm 1964, “con chuột” đầu tiên ra đời chỉ với mục đích phục vụ những người thiết kế đồ hoạ trên máy tính.

Năm 1968, Douglas Engelbart đã có một buổi thuyết trình trước công chúng dài 90 phút về hệ thống máy tính “mạng lưới” (net-work) tại trung tâm nghiên cứu mở rộng đại học Stanford, và đây là lần đầu tiên “các đứa con” của ông đã ra mắt mọi người: “con chuột” và hệ điều hành Windows.

 

Năm 1970, Douglas Engelbart nhận được bằng sáng chế cho mẫu “con chuột”có vỏ hộp bằng gỗ gắn hai bánh xe nhỏ bằng kim loại  nối với máy tính bằng một đoạn dây. Ông miêu tả nó như một sáng chế mang tính ứng dụng cao, một “vật chỉ thị vị trí trên màn hình vi tính”, nó cho biết bạn “đang ở đâu”! Douglas Engelbart bật mí: tôi đặt tên nó là “con chuột” ví nó có một “cái đuôi” dài thò lò ra đấy thôi.

Tiến sĩ Douglas Engelbart đã được vinh dự nhận được giải thưởng Lemeson – MIT năm 1997 cùng số tiền thưởng 500.000USD. Đây là giải thưởng lớn nhất dành cho các phát minh mang tính đổi mới trên toàn thế giới.

Năm 1998, tên của ông được đưa vào toà nhà kỷ niệm những nhà phát minh quốc gia Hoa Kỳ.

Năm 2000, Douglas Engelbart được Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton tặng thưởng Huy chương Công nghệ quốc gia, huy chương cao nhất trong lĩnh vực công nghệ.

 

 

Chuột không ngừng tiến hóa

 

Chuột được Tiến sĩ Douglas Engelbart và các cộng sự thai nghén năm 1963. Mẫu đầu tiên của nó được tạo ra để sử dụng với giao diện người dùng đồ hoạ (GUI, graphical user interface). Lúc đó, chuột là một khối gỗ vuông với một nút bấm màu đỏ và hai bánh xe kim loại đựơc bố trí vuông góc với nhau.

Ngày 9.12.1968, chuột chính thức chào đời khi được đưa ra trình diễn trong một buổi giới thiệu kéo dài 90 phút trước khoảng một ngàn chuyên gia máy tính tại một hội nghị tổ chức ở California (Mỹ). Tiến sĩ Douglas Engelbart khiến các đồng nghiệp của ông phải kinh ngạc khi dùng chuột để điều khiển con trỏ trên màn hình từ khoảng cách trên 40m.

 

Chuột còn có một người anh em sinh đôi là bàn phím có 5 phím bấm. Ý tưởng của Engelbart là để tương tác với màn hình máy tính, người dùng chỉ cần một tay cầm chuột, còn tay kia cầm bàn phím số, và sẽ chẳng cần đến cái bàn phím như hiện nay. Thế nhưng qua gần 4 thập kỷ thì chỉ một mình chuột trở thành một trang bị tiêu chuẩn của máy tính cá nhân, việc mà ông Engelbart cho là “điều bất ngờ ngọt ngào”. Trong trong khi đó thì cái bàn phím 5 phím bấm chẳng biết đi về nơi đâu. Có lẽ vì nếu muốn thay thế bàn phím đánh chữ bằng 5 phím bấm đó, người sử dụng máy tính buộc phải nhớ đến 512 kiểu đánh phối hợp. Ngược lại để sử dụng chuột, người ta chỉ cần cầm nó di chuyển vòng vòng, kéo tới kéo lui trên miếng lót.

 

Ban đầu để sử dụng đựơc chuột “thuỷ tổ” phải mất vài… tháng để làm quen. Đến năm 1973, Bill English, một thành viên trong nhóm nghiên cứu của Douglas Engelbart, thực hiện những cải tiến lớn đầu tiên. Bill English “giải phẫu thẩm mỹ” chuột bằng việc đặt bên dưới chuột một hòn bi lớn bằng thép có khả năng ghi nhận các chuyển động của tay để thay thế cho hai bánh xe kim loại bên trong như thiết kế cũ, lại gắn thêm 2 nút bấm thành 3 nút. Chuột bi này của Bill English được Xerox PARC ( Trung tâm Nghiên cứu Xerox tại Palo Alto) tung ra cùng với chiếc máy tính đầu tiên sử dụng GUI.

 

Ý tưởng chuột bi của Bill English được tiếp tục phát triển qua những tiến hoá: từ 3 nút còn lại 2 nút, rồi thêm bánh lăn… Thế rồi đến năm 1981, Richard Lyon của Xerox và Steve Kirsh của tập đoàn Mouse Systems cùng lúc phát minh mẫu chuột quang đầu tiên, nhận dạng chuyển động bằng vi cảm biến ánh sáng đặt dưới thân chuột, giải quyết chuyện bi bị bám bụi. Năm 1983, Apple tung ra mẫu máy tính cá nhân thương mại đầu tiên là Apple Lisa được trang bị GUI và chuột. Apple Lisa không thành công, nhưng chuột Apple vẫn được giữ lại để dùng với máy Apple Macintosh sau đó. Trong những năm cuối thập niên 20, người dùng máy tính quen liên tưởng mẫu chuột có phím cuộn kèm với cái tên Microsoft, nhưng thực ra Genius đã đi trước Microsoft một năm, với mẫu chuột Genius EasyScroll được tung ra thị trường năm 1995. Đến năm 2004, Logitech tung ra mẫu chuột laser đầu tiên, thay thế toàn bộ đèn LED bên trong chuột quang.

 

Trong quá trình “tiến hoá”, chuột cũng được cải thiện về chất lượng: nhẹ, đẹp, rẻ; hình dáng nhỏ gọn vừa lòng bàn tay, thậm chí có loại đặc biệt cho người thuận tay trái, hoặc độc đáo theo sở thích và thời trang. Về tính năng chuột cũng nhạy hơn, chính xác hơn, thậm chí có chuột 2 trỏ. Về sự thuận lợi, từ chuột có dây, chuột rút dây cho đến chuột không dây, chuột sóng radio; từ chuột dễ bị bám bụi và “chết” nếu không biết làm vệ sinh bi đến chuột quang, chuột laser…

 

Ngày nay chẳng còn ai gọi bằng cái tên cúng cơm đầy tính công nghệ “bộ định vị x-y”, mà chỉ gọi bằng cái nickname chuột. Cho dù một số mẫu chuột mới sử dụng công nghệ không dây, không còn “đuôi” nhưng chuột vẫn là … chuột. Dẫu vậy, các nhà phát minh vẫn tiếp tục tìm kiếm những kiểu áo mới, và cả gắn cho chuột thêm những chức năng hiện đại khác.

 

Lòng biết ơn.

 

Tiến sĩ Douglas Engelbart luôn được xem là người “đi trước thời đại”. Thoạt tiên, khi ông đưa ra những ý tưởng… hơi bị  “hoang đường” nhiều người cười ông, nhưng về sau khi chính ông hoặc người khác biến chúng thành hiện thực thì mọi người lại mang ơn ông!

 

Douglas Engelbart từng nói: “thật là tuyệt vời khi có thể thôi thúc được các người khác miệt mài theo đuổi, phấn đấu để đạt được ước mơ của mình!”. Phát minh ra “con chuột” vi tính và hệ điều hành Windows là những điều tuyệt vời mà ông đã làm để thực hiện câu nói này.

 

Khi Douglas Engelbart hình dung “con người đang ngồi trước máy vi tính, vô số… vô số những thông tin hiển thị, lướt rất nhanh và ngày càng nhanh hơn cứ như “bay bay” trong không gian màn hình, sẽ giúp người ta trình bày và thiết lập các ý tưởng của mình một cách linh hoạt, với tốc độ… “không thể nào tưởng tượng được”!

 

Năm Mới Mậu Tý – Năm Con Chuột, khi bạn đang bay lượn lướt web hay đang làm việc trên máy vi tính qua những thao tác nhẹ nhàng nhấp chuột, xin nhớ đến Tiến sĩ Douglas Engelbart với tất cả lòng biết ơn.

 

Cuối năm Đinh Hợi.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

 

 

TÀI LIỆU TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

 

BÀI 2: ĐỨC GIÊSU: ĐẤNG TỰ KHIÊM TỰ HẠ

Linh mục với lời mời gọi từ bỏ

Lời Chúa: Phl 2,6-12

Thư gửi giáo đoàn Philiphê kêu mời độc giả Kitô hữu hãy sống hợp nhất yêu thương, tránh mọi cãi vã ghen tỵ, sống vì người khác chứ không vì mình. Để nêu một mẫu gương tuyệt vời cho những lời khuyên này, tác giả đã nêu chính Đức Giêsu Kitô như mẫu mực hoàn hảo của tất cả mọi Kitô hữu: Người là thân phận Thiên Chúa mà lại không đòi cho được quyền hành của thân phận ấy. Trái lại, Người đã hạ mình, sống thân phận con người… để Thiên Chúa Cha đuợc tôn vinh.

Những điều trình bày về một Đức Kitô khước từ vinh quang Thiên Chúa để nhận lấy thân phận tôi đòi làm chúng ta dễ dàng liên tưởng tới một nhân vật ở khởi đầu lịch sử, đó là Adam.

+Adam là tạo vật mà lại muốn được như Thiên Chúa

-Đức Giêsu là Thiên Chúa lại muốn sống như tạo vật

+Adam muốn nâng mình lên

-Đức Giêsu muốn hạ mình xuống+Adam trong tay chẳng có gì (quyền hành, danh dự, vật chất) nhưng muốn có mọi sự, biết mọi sự, thấy mọi sự.

-Đức Giêsu có mọi sự, nhưng đã tự huỷ ra không.

+ Sự kiêu ngạo của Adam là nguyên nhân của sự chết

- sự khiêm hạ của Đức Giêsu là nguyên nhân của sự sống.

Thư Rôma 5,15 đã liên hệ điều đó: “Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người”.

Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng, suốt cuộc đời dương thế, Đức Kitô luôn sống vì Chúa Cha, để Chúa Cha được tôn vinh. Vinh quang của Cha là lý tưởng sống của Người. Thánh ý Chúa Cha là lương thực hằng ngày của Người (Ga 4,34) Người sống vì Chúa Cha, để Cha được tôn vinh. Ngay cả lúc hấp hối trong Vườn Cây Dầu, khi bản tính nhân loại của Người run sợ trước chén đắng, Người vẫn thưa: “xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (Lc 22,42). Đối với Đức Giêsu, chỉ có Thiên Chúa là đối tượng yêu mến duy nhất của Người. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu là lời cầu nguyện “Shema, Israel !” của dân Do Thái (x Đnl 6,14). Cầu nguyện đối với Đức Giêsu là lắng nghe từng giây từng phút chân lý mạc khải này: “Thiên Chúa là Đấng duy nhất”, và trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu đã biến lời cầu nguyện đó thành hành động. Đối với Người, ngoài Thiên Chúa, không có gì là quan trọng, kể cả quyền lực (César) tiền bạc (Mammon). Sự trung tín của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được chính những kẻ thù ghét Người xác nhận: khi ở bên chân thập giá và chứng kiến cuộc khổ nạn, các Thượng tế và Luật sĩ chế nhạo Người và họ thốt lên: “nó đã cậy trông Thiên Chúa, xin Ngài cứu hắn nếu Ngài yêu thương” (Mt 29,43)

Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Giêsu được diễn tả như Người Con làm tất cả để tôn vinh Cha. Việc tôn vinh ấy thể hiện cách cụ thể qua sự chu toàn bổn phận mà Chúa Cha đã trao phó: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,4). Chúa Cha tôn vinh Chúa Con, Chúa Con tôn vinh Chúa Cha. Vinh quang Thiên Chúa lan tỏa nơi con người, nơi những môn đệ của Đức Giêsu. Đến lượt mình, những ai theo Đức Giêsu sẽ tôn vinh Thiên Chúa qua chính đời sống chứng tá của mình, nhất là qua nghĩa cử tử đạo (x. Ga 21,19).

Và, cách hành sử của Thiên Chúa thật kỳ diệu: Nếu Đức Giêsu đã tự huỷ, sinh sinh mọi sự, trút bỏ mọi sự, thì Thiên Chúa lại đem mọi sự đặt dưới chân Người. Thánh Phaolô đã chiêm ngưỡng cuộc phong vương trọng thể Chúa Cha dành cho Con của Ngài: “… đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô…” (Ep 1,10). Chính sự khiêm hạ và vâng lời cho đến chết của Đức Giêsu là một nghĩa cử tôn vinh Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Đức Chúa, để rồi mọi môi miệng đều tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa để Chúa Cha được tôn vinh.

Thưa các Cha, là Linh mục, chúng ta được mời gọi diễn tả qua đời sống của mình một Đức Kitô đang sống. Qua cuộc đời của chúng ta, tâm tình của Đức Giêsu được thể hiện cách sinh động. Chúng ta hãy cùng noi gương người trong sự từ bỏ,phó thác.

-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu trước hết là sự hy sinh, chết đi cho thế gian: chiếc áo dòng màu đen, là màu tang chế, là màu của khổ hạnh, là màu của sự chết. Bước lên Bàn thánh trong ngày thụ phong là chúng ta cam kết sẽ chết đi mỗi ngày cùng với hy tế của Đức Giêsu, để rồi, mỗi năm, khi kỷ niệm ngày giáp năm thụ phong, khi tham dự tuần tĩnh tâm Linh mục, chúng ta thấy cái tôi của mình nhỏ dần đi, nhường chỗ cho hình ảnh sống động của Đức Giêsu đang lớn dần lên. Đó chính là sứ mạng của Gioan Tẩy Giả: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).

-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu còn là sự phó thác hoàn toàn cho chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là dụng cụ trong tay Chúa. những gì chúng ta làm tại Giáo xứ, do công lao vất vả của mình, nhưng còn do chính Chúa tác động. Linh mục hôm nay có nguy cơ bị cám dỗ cho rằng những gì mình làm được là do chính bản thân và tài năng riêng của mình. Chính vì thế, khi gặp phải thất bại, chúng ta bi quan chán nản. Có những việc làm, những hoạt động được mang danh là tông đồ, nhưng lại thiếu chiều kích siêu nhiên, hoặc không phát biểu được đới sống nội tâm của các tín hữu.

-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu còn là sự tận tâm dấn thân phục vụ Dân Chúa. Tại một số nước phát triển, nhiệm vụ của Linh mục có nguy cơ bị coi như công chức hành chánh. Giáo Hội bị coi như một thứ dịch vụ ma chay cưới hỏi. Chính vì thiếu nhiệt tâm tông đồ mà đời sống linh mục trở nên đơn điệu, bậc độc thân không còn được tôn trọng và trung tín. Mối quan hệ giữa Cha Xứ và giáo dân trở nên lạnh lẽo, thiếu tình người.

Kết luận: hình ảnh Đức Kitô khiêm hạ giúp chúng ta thấy sứ mạng của Linh mục. Một Linh mục thánh thiện không thể khước từ Thập giá, không thể khước từ sự từ bỏ dấn thân phục vụ con người để vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi con người của họ. “Vinh quang Chúa chính là con người sống một cuộc sống vui tươi (St Irénée: Gloria Dei Vivens homo ‘Adversus Haereres 4, 20,7’).

+GM. Giuse Vũ Văn Thiên

Mục lục

 

Đêm trừ tịch

 

 Đêm là một thời gian yên nghỉ, giũ bỏ những phiền muộn, cũng là thời gian của những mưu mô xảo quyệt. Nhưng nửa đêm về sáng lại là thời gian của ánh sáng làm lộ rõ những điều xấu xa. Trong đêm trừ tịch vào trước nửa đêm, người ta lo quét dọn sạch sẽ những gì là nhơ bẩn, dọn sạch những phiền muộn, bất hoà của đời sống để chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu của năm mới.

 

Đêm trừ tịch được hiểu là đêm tẩy trừ. Người ta thường diễn tả cái tối trời “tối trời như đêm ba mươi”, hoặc cái ghê sợ như cách gọi ông cọp là “ông ba mươi”. Nỗi sợ - bóng tối luôn là những điều vây bọc lấy con người suốt một năm đã gần qua, và bao giờ cái gần qua cũng ở một mức tuyệt đỉnh của nó khi nó chuẩn bị thoái trào, cho nên vừa chờ đợi thổn thức vừa mong đợi hân hoan. Bầu khí của buổi chiều ba mươi, tấp nập, ồn ào huyên náo lịm dần đi cho đến nửa đêm, mỗi lúc lại thấy bầu khí trở nên trầm lắng hơn, hoạt động đã được thay bằng những suy tư, cuộc sống trở về với tinh thần nhiều hơn.

 

Đêm ba mươi được hiểu là đêm của linh thiêng, dù là quanh năm xuôi ngược, dù là suốt năm chỉ lo buôn thần bán thánh, người ta cũng phỉa trở lại với điểm linh thiêng của đêm trừ tịch. Đêm ấy, giống như kinh nghiệm sống lại của “Đêm Vượt Qua” của người Do Thái, lên tới đỉnh điểm của giải thoát, người Do Thái biết rằng đã đến lúc phải dứt bỏ những gì cồng kềnh của cuộc sống để làm cho đôi chân được nhẹ nhàng thoát nhanh khỏi những sợ hãi đuổi phía sau lưng. Vào trước đêm ấy, người Do Thái ăn bữa tối sau cùng trên đất Ai Cập, ăn vội vàng trong tư thế sẵn sàng nhận lệnh ra đi. Còn thiết gì nữa trước giờ được giải thoát. Ra đi hướng về phía trước, dứt bỏ bóng tối dày đặc phía sau. Trong đêm trừ tịch, người ta cũng cảm thấy những điều tương tự: giận hờn – oán ghét - tội lỗi - xấu xa – đê tiện đều muốn trút bỏ cho bằng hết. Đó là thời gian xả rỗng hoàn toàn những gì vấn víu trong bùn nhơ, mà kinh nghiệm lại cho thấy đấy cũng là một từ bỏ vượt sức con người, nên đêm trừ tịch lại là đêm của những nén nhang lòng, đêm linh thiêng của mỗi cá nhân cảm nhận sâu xa về thân phận mỏng dòn của mình.

 

Lễ trừ tịch được cử hành vào giờ Tý (11 giờ đến 1 giờ). Một giờ của năm cũ và một giờ của năm mới. Trong lễ này tại gia đình, người ta nhắc đến công ơn trời đất, tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, làm hoà với nhau, trút bỏ điều xấu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ thực hiện. Trong lễ đêm linh thiêng ấy, dù không có tôn giáo nào hay chẳng có gia đình để sum họp, người ta cũng rủ nhau đến chùa, đến nhà thờ hay nơi linh thiêng nào đó để thắp nén nhang và hái lộc đầu năm.

 

Mỗi năm lại một lần làm đi lặp lại những điều trong đêm trừ tịch, có lẽ nhờ vậy mà người Việt Nam là những con người lạc quan hơn các dân tộc khác chăng và là những con người yêu kính tổ tiên hơn chăng? Cầu mong mọi điều đều tốt đẹp để hướng về phía trước trong ngày anh sáng huy hoàng của năm mới.

 

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Mục lục

 

 

ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLO II, MỘT CON NGƯỜI CẦU NGUYỆN

Ngày 31-10-2007, vọng lễ Các Thánh Nam Nữ, nhà xuất bản Fayard bên Pháp phát hành tác phẩm ”J'ai senti battre le coeur du monde - Tôi cảm nhận nhịp tim đập của thế giới”. Cuốn sách là thành quả các trao đổi chuyện trò giữa ký giả Bernard Lecomte và Đức Hồng Y Roger Etchegaray - 85 tuổi người Pháp - Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn. Chúng tôi trích dịch đoạn ngắn Đức Hồng Y nói về Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005): ”một con người cầu nguyện - un homme de prière”.

Xin giới thiệu vắn tắt về Đức Hồng Y Roger Etchegaray. Đức Hồng Y Roger chào đời ngày 25-9-1922 tại Espelette thuộc miền Pyrénées-Atlantiques ở miền Nam nước Pháp, giáp giới với nước Tây Ban Nha. Thụ phong Linh Mục ngày 13-7-1947, 12 năm sau, Cha Roger được Đức Giáo Hoàng Phaolo VI (1963-1978) chỉ định làm Giám Mục phụ tá Tổng Giáo Phận Paris. Vỏn vẹn một năm sau - 1970 - Đức Cha Roger Etchegaray được thuyên chuyển về Tổng Giáo Phận Marseille. Năm 1979 ngài được vinh thăng Hồng Y và 5 năm sau, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đưa ngài về Roma trao phó nhiệm vụ Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý Hòa Bình và COR UNUM (Đồng Tâm). Đức Hồng Y Roger Etchegaray chu toàn nghĩa vụ này trong vòng 14 năm từ 1984-1998. Sau đó Đức Hồng Y Roger Etchegaray được chỉ định làm Chủ Tịch Ủy Ban Đại Năm Thánh 2000.

Có thể nói, trong vòng 20 năm từ 1984 đến 2005, Đức Hồng Y Roger Etchegaray đã sát cánh bên Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II tín nhiệm cử làm đặc sứ trong những chức vụ tế nhị vào những thời điểm thảm khốc nhất của vận mệnh thế giới và của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ.

Đức Hồng Y đã đi đến các vùng có chiến tranh hoặc xung đột sôi sục khói lửa hận thù như Kosovo, Cuba, Messico, Haiti, Rwanda, Irak, Trung Quốc và Việt Nam. Riêng Việt Nam, Đức Hồng Y Roger Etchegaray đến đây 3 lần.

Lần đầu tiên từ mồng 1 đến 13-7-1989. Đức Hồng Y viếng thăm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam theo lời mời của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Lần thứ hai - với tư cách đặc sứ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II - Đức Hồng Y Roger đến Hà Nội chủ sự Thánh Lễ an táng Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1921-1990) ngày 23-5-1990. Lần thứ ba, Đức Hồng Y Roger Etchegaray dẫn đầu Phái Đoàn Tòa Thánh chính thức viếng thăm và thảo luận với các cơ quan chức trách của chính phủ Việt Nam. Cuộc viếng thăm kéo dài từ mùng 5 đến 14-11-1990.

Trở lại với chứng từ về Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, Đức Hồng Y Roger Etchegaray nói. Vị Giáo Hoàng có ngôn từ cao cả, có cử điệu rộng rãi phong phú ấy trước tiên là một con người của cầu nguyện. Tôi trải qua thời gian 20 năm làm việc cho Đức Giáo Hoàng và bên cạnh Đức Giáo Hoàng. Nhưng chúng tôi không bao giờ tiến sâu vào chỗ thân mật, có lẽ do cá tính khác biệt giữa chúng tôi. Đức Giáo Hoàng người Ba Lan trong khi tôi người vùng Basque. Không bao giờ ngài trao cho tôi những chỉ thị rõ ràng có tính chất bắt buộc trước mỗi khi tôi lên đường thi hành một nhiệm vụ do ngài sai đến một vùng đất này hay nơi một xứ sở kia ở tận cùng bờ cõi trái đất. Ngài hoàn toàn tin tưởng nơi tôi. Hay nói đúng hơn, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II luôn luôn đặt trọn niềm tin tưởng nơi THIÊN CHÚA. Đây cũng là điểm nổi bật nhất nơi con người Đức Gioan Phaolo II khiến cho tất cả cộng tác viên thân cận nhất của ngài phải ngỡ ngàng thán phục.

Vị Giáo Hoàng từng quyến dũ giới truyền thông bằng nhân cách ”trung gian”, vị Mục Tử có ngôn từ cao cả, có cử điệu phong phú dồi dào, lại là con người - trước hết và trên hết - con người của cầu nguyện. Từ sáng tinh sương đến tối khuya của ngày tàn, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II không bao giờ ngừng cầu nguyện. Chính ký giả André Frossard (1915-1995) - nếu tôi nhớ không lầm - từng ví Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II với ”khối cầu nguyện - bloc de prière”, sau một lần ông được diễm phúc tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II cử hành nơi nhà nguyện riêng ở nội thành Vatican.

Tất cả những ai từng cộng tác, từng làm việc chung với Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, cũng như tất cả những ai từng tháp tùng ngài trong các chuyến công du mục vụ đều ngạc nhiên thán phục trước khả năng của Đức Giáo Hoàng - ở bất cứ nơi đâu trong bất cứ hoàn cảnh và trạng huống nào - cũng đều có thể tách rời khỏi mọi ồn ào huyên náo bên ngoài để lắng đọng vào bên trong và cầu nguyện. Chính vì lý do này mà đôi lúc Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II gieo rắc hoảng hốt lo âu cho những người có trách nhiệm tổ chức các chuyến công du, khi thấy Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đắm mình trong cuộc chuyện trò thân mật với Đức Chúa GIÊSU KITÔ - Đấng Cứu Thế - mặc cho sự chậm trễ của chương trình đã được hoạch định tỉ mỉ trước từng giây từng phút!

Tôi còn nhớ trong chuyến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II viếng thăm nước Pháp lần thứ 5 vào năm 1996 từ ngày 19 đến 22 tháng 9, với trạm dừng đầu tiên là thành phố Tours. Trong Tu Viện nơi chúng tôi trú ngụ, tôi tình cờ bắt gặp Đức Gioan Phaolo II, vào sáng sớm ngày thứ sáu 20-9-1996, đang một mình gẫm chặng đàng Thánh Giá trong nhà nguyện. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II không bao giờ bỏ qua một ngày thứ sáu nào mà không Đi Đàng Thánh Giá - dù cho ngài ở bất cứ nơi đâu.

Mỗi khi di chuyển bằng máy bay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II luôn luôn cầm tràng hạt Mân Côi trong tay và ngoài những nghi thức ngoại giao ngài bắt buộc phải chu toàn, hoặc phải trả lời các cuộc phỏng vấn của các ký giả quốc tế tháp tùng chuyến công du mục vụ mà ngài luôn luôn nhã nhặn thi hành, ngoài tất cả các việc này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II lại đắm mình trong kinh nguyện. Ngài không bao giờ nhìn qua khung cửa máy bay để chiêm ngắm cảnh vật. Không bao giờ! Ngài chỉ thinh lặng cầu nguyện cho đến khi máy bay đáp xuống phi đạo của đất nước ngài sắp viếng thăm.

... ”Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện, thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho bạn được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ. Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và đợi trông Người. Bạn chẳng nên nổi giận với kẻ được thành công hay với người xảo trá” (Thánh Vịnh 37,3-7).

(”Pèlerin”, L'Hebdo du Quotidien, n.6518, Jeudi 1er Novembre 2007, trang 32-39)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Mục lục

 

 

SỐNG CHỮ NHÂN

 

BÀI I

YÊU NHƯ THẦY

Sống chữ Nhân là sống và thực hành lòng yêu thương. Yêu thương là giới luật hàng đầu của Kitô giáo. Nói chính xác, Kitô giáo không chỉ dạy yêu thương, nhưng trên hết,  yêu thương là nền tảng của Kitô giáo. Vì thế, giáo dục Kitô giáo, trước hết là giáo dục con người về đức ái nhân. Đức ái nhân ấy dựa trên lẽ sống của Tin Mừng Thiên Chúa.

Muốn sống chữ Nhân cách hoàn hảo nhất, đúng đắn nhất, Kitô giáo chỉ cho chúng ta một con đường, cũng là một đích điểm để chúng ta học đòi bắt chước gương sống lòng yêu thương. Vừa là con đường, vừa là đích điểm, ấy chính là Chúa Kitô, Đấng sáng lập Kitô giáo, tôn giáo của tình yêu, tôn giáo đề cao tình yêu, nhân danh tình yêu và chỉ sống chết cho tình yêu.

Chính vì là hiện thân của tình yêu, Chúa Kitô dạy ta hãy đối chiếu tình yêu của ta với tình yêu của Chúa: Yêu như Chúa yêu. Trong lời từ biệt sau bữa tiệc ly, Chúa nói: “Thầy ban cho các con một điều răn mới: là hãy yêu mến nhau. Như Thầy đã yêu mến các con, các con cũng phải yêu mến nhau…Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con” (Ga 13, 14. 34).

“Yêu như Thầy”! Nghĩa là Thầy đã yêu thế nào, môn đệ cũng phải yêu thế ấy. Bản thân mỗi người, sự sống và cuộc đời mỗi người đã quý giá, đã cao cả, nhưng tình yêu Kitô giáo không dừng sự quy chiếu nơi cá nhân con người, mà phải quy chiếu nơi chính Đấng là Thiên Chúa làm người. Nơi tình yêu Kitô giáo, mỗi cá nhân không còn lấy mình làm trọng tâm nữa, nhưng được mời gọi ngắm nhìn chính tình yêu của THẦY. Chúa Kitô mới đúng là chuẩn mực của tình yêu.

“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con”, nghĩa là các con phải hạ mình xuống mà tha thứ, mà phục vụ như Thầy. Các con phải biết hiến dâng chính mình, hiến dâng sự sống, hiến dâng tất cả sức lực, tất cả thời gian mà hy sinh tột cùng, hy sinh đến độ không còn kể bản thân mình nữa. Yêu như Thầy là chấp nhận yêu như những gì mà thư gởi tín hữu Philipphê đã tỏ bày về Chúa Kitô: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (2, 6-8).

Muốn yêu như Thầy, chúng ta phải chấp nhận sự trút bỏ, sự chối từ tiện nghi cách ích kỷ cho bản thân. Chúa Kitô đã trút bỏ, đã chối từ đến không còn gì là của riêng mình, nhưng tất cả dành cho chúng ta, những kẻ Người yêu thương và yêu thương đến cùng (Ga 13, 1). Chúa đã trút bỏ, đã chối từ đến nỗi hiến dâng cả mạng sống. Nhưng như thế vẫn chưa lấy làm đủ, giây phút cuối cùng, khi đã lìa đời trên thánh giá, Chúa còn chấp nhận mở toan lồng ngực, mở toan bầu tim, một bầu tim Thiên Chúa làm người, từ đời đời chỉ biết chất chứa tình yêu, sự khoan dung tha thứ, để tưới gội cả đến giọt máu cuối cùng trên nhân loại.

Yêu như Thầy là một nhu cầu cấp thiết cho một thế giới đang thiếu vắng tình yêu. Yêu như Thầy là một đòi hỏi mạnh mẽ cho tất cả những mãnh đời bé nhỏ bị giày đạp dưới gót giày của bạo quyền, bạo lực, bất công, khủng bố, hận thù, chinh chiến… Yêu như Thầy là một bảng tuyên ngôn chống lại tất cả những gì là man rợ, là đao phủ, là vũ khí, là thâm độc, nham hiểm đe dọa hòa bình, đe dọa sự tồn tại của con người, của chân lý… Yêu như Thầy là lời chung quyết của tình yêu loại trừ tất cả những gì thuộc về lòng lang dạ sói gieo rắc nỗi chết chóc cho đồng loại quanh mình. Yêu như Thầy là lời gào thét đòi phải trả lại cho con người chỗ đứng của tình yêu đúng nghĩa, chứ không bao giờ được phép đem con người ra bày trò thụ hưởng cho cá nhân những kẻ có quyền, có tiền. Yêu như Thầy là tiếng nói mạnh nhất của lương tri để dạy mọi ngành nghề của khoa học biết rằng, khi phát triển khoa học là mang lại sự sống dồi dào cho con người chứ không phải giết người. Yêu như Thầy là tiếng nói tột đỉnh của công lý cho tất cả những nơi nào thiếu vắng công lý, lại chỉ để lên ngôi sự hà khắc, thâm độc, giành giật, thiếu công bằng… Yêu như Thầy là suối nguồn khơi lại sự sống để những ai được tình yêu ấy cảm hóa sẽ sống hạnh phúc và bình an. Yêu như Thầy là mục tiêu cuối cùng mà nhân loại phải đạt cho bằng được, nếu không nhân loại sẽ sống mà như dãy chết… Yêu như Thầy, tình yêu kiểu mẫu cho mọi tình yêu. Yêu như Thầy, bài học yêu thương bất tận cho mọi con người. Yêu như Thầy, kinh nghiệm cao cả cho mọi lẽ yêu đương của con người…

Bởi vậy, giáo dục để sống chữ Nhân cách hoàn hảo, người ta chỉ có thể tìm ra một cách thế mà thôi. Đó là hội nhập Tin Mừng vào đời sống nhân loại của mình. Để khi đã hội nhập, người ta sẽ khám phá ra rằng, tình yêu không đâu xa, nhưng đọng lại nơi một mẫu gương tuyệt đối là chính con người, cuộc sống và lời dạy của Chúa Kitô. Nơi Tin Mừng mà người ta đã hội nhập vào đời sống nhân loại của mình, tình yêu sẽ không vắng bóng, nhưng sẽ lớn lên, phát triển và lan rộng. Bởi khi hội nhập Tin Mừng vào đời sống nhân loại của mình, chính kiểu mẫu của tình yêu nơi Chúa Kitô, sẽ thúc bách người ta sống hoàn hảo nghĩa yêu thương.

 

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Mục lục

 

 

CÂU CHUYỆN SUY TƯ

 

SUY NGẪM

 

Chúng ta sinh ra có hai mắt đằng trước, nên chúng ta đừng luôn nhìn laị phía sau mà cần nhìn xem có gì đang đợi chúng ta từ phía trước.

 

Chúng ta sinh ra có hai tai, một bên phải một bên trái, để chúng ta nghe được hai phía, nghe được cả lời khen và lời chê.

 

Chúng ta sinh ra có bộ não được giấu trong hộp xương. Dù chúng ta có nghèo tiền bạc đến đâu thì chúng ta vẫn giàu, vì không ai lấy đi được những gì trong bộ não của chúng ta.

 

Chúng ta sinh ra có hai mắt, hai tai nhưng chỉ có một cáí miệng .Bạn biết tại sao không? Vì miệng lưỡi là một vũ khí sắc bén, có thể làm cho ngươì khác cảm thấy yêu thương hay thù ghét .Hãy nhớ : nói ít, nghe và quan sát nhiều hơn.

 

Chúng ta sinh ra chỉ có một trái tim, nằm sâu trong lồng ngực để nhắc chúng ta hãy biết trân trọng và luôn cho đi sự thương yêu từ sâu trong lòng mình.

 

Mộng Tuyền (sưu tâm từ Internet )

Mục lục

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

Yêu và dạy con

Yêu con, nhiều bà mẹ thường chú ý đến việc nuôi con, làm món ăn ngon, mua sắm, may mặc quần áo đẹp, cung cấp cho con đầy đủ tiện nghi vật chất, các trò giải trí, nhưng lại quên mất một điều: dành thời gian chuyện trò tâm sự để hiểu con và kịp thời uốn nắn những sai lệch của con.

Cần loại trừ thói gia trưởng, dùng uy quyền một chiều, kể cả bạo lực (đánh, mắng, chửi, sỉ nhục con cái) để bắt chúng nghe theo ý kiến của cha mẹ. Nhưng các bà mẹ cũng cần tránh sự ủy mị, nhu nhược quá đáng, thương con không đúng chỗ, không dám cương quyết ngăn chặn chúng làm điều sai trái và không có thái độ xử lý nghiêm khắc trước những lỗi lầm chúng đã phạm phải. Từ khuyết điểm nhỏ được bỏ qua, chúng có thể đi tới những tội lỗi nghiêm trọng. Nếu cha mẹ không thống nhất ý kiến trong việc giáo dục con - người quá nuông chiều, người quá nghiêm khắc, hoặc buông lỏng cho con tự do hành động, thiếu sự quan tâm uốn nắn kịp thời sẽ gây hậu quả xấu cho trẻ, đồng thời còn ảnh hưởng đến bầu không khí hòa thuận của gia đình.

Ngày nay các bà mẹ cần chú ý đến phương pháp giáo dục hai chiều. Con cái nghe lời cha mẹ, cha mẹ cũng phải lắng nghe ý kiến trình bày của con, quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của chúng. Nếu cha mẹ có ý kiến không đúng nên từ bỏ, rút lui, không tự ái, giấu dốt. Bởi trẻ em không chỉ học tập ở cha mẹ, mà còn học tập ở nhiều kênh thông tin khác (thậm chí có những điều chúng biết trước cha mẹ), lại năng động, sáng tạo, dễ tiếp thu cái mới. Thế kỷ 21 đang khuyến khích sự phát triển tư duy sáng tạo, độc lập suy nghĩ, đặc biệt ở lớp trẻ. Có nghĩa là con cái có thể có những ý kiến khác cha mẹ, có cách làm khác, không rập khuôn kinh nghiệm cũ. Các bà mẹ cần tạo điều kiện cho con mình phát huy sáng kiến trong học tập, trong ứng xử.

Trong không khí bình đẳng, dân chủ của gia đình, cha mẹ thuyết phục, giảng giải cho con lẽ phải, điều nên làm, chú ý cung cấp kiến thức để hướng dẫn chúng đi vào con đường hành động đúng đắn. Không thể ra lệnh bắt con mù quáng làm theo mình, dù với trẻ vị thành niên, mà cần làm cho con cái hiểu để tự điều chỉnh việc làm của chúng… Sử dụng phương pháp dạy và hỏi - cha mẹ dạy dỗ nhưng cho phép con hỏi những điều chưa hiểu, chưa thông suốt - để tiếp tục giải thích, làm rõ. Như vậy chúng sẽ làm theo lời khuyên răn của cha mẹ một cách tự giác, nhẹ nhàng.

Phương pháp nêu gương cũng có ý nghĩa hết sức tích cực trong việc dạy con. Lời nói đi đôi với việc làm cụ thể hàng ngày của cha mẹ. Đứa trẻ ngoan hay hư chính từ môi trường bao quanh trẻ, trước hết là môi trường gia đình, sau đó là sự kết hợp với môi trường nhà trường và cộng đồng xã hội. Tấm gương sáng của cha mẹ trong lao động chân chính, cách ăn ở có tình có nghĩa trong gia đình, với bạn bè, người thân, hàng xóm, thái độ tôn trọng pháp luật, bảo vệ của công… đó là những bài học thực tiễn, cụ thể, dễ hiểu mà con cái mục kích hàng ngày, in vào tâm trí chúng từ nhỏ cho đến lớn, thúc đẩy chúng làm theo bố mẹ một cách tự giác, như một chân lý không cần bàn cãi.

Giáo dục con cái đúng cách sẽ tạo cho con sự phong phú về tri thức, tinh thần và thể chất khỏe mạnh dễ đảm đương tốt công việc xã hội giao phó trong tương lai. Đây rõ ràng là một khoa học đòi hỏi những hiểu biết nhất định và một nghệ thuật ứng xử. Điều này yêu cầu - nhất là với người mẹ - một quyết tâm lớn trong việc tự rèn luyện mình làm tấm gương sáng cho con cái. Trên đời này chẳng có ai là vẹn toàn, chẳng có gia đình nào không gặp khó khăn, thiếu sót. Cái khó, cái dễ bắt đầu từ chúng ta. Phải chăng nên suy nghĩ rằng: nên cố gắng khắc phục nhược điểm của gia đình, tính xấu của bản thân để tạo điều kiện rèn luyện cho con mình ưu điểm và thuận lợi, một đức tính tốt trong học tập lao động, ứng xử với gia đình và xã hội sau này.

Vũ Huyền Đam

Báo Giáo Dục

 

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH 

 

DẤU CHÂN CỦA THẦY”

 

VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG

(Lc 4, 16-30)

 

Thầy kính mến,

 

Có một lần con về thăm quê hương sau 37 năm xa cách. Con đến nhà thờ dâng lễ và giảng. Đồng hương đón tiếp con một cách vừa long trọng vừa thân thương đến mức tuyệt vời. Con phải ăn cơm khách suốt hai tháng trời. Nhà nào cũng mâm cao cỗ đầy theo đúng nghĩa đen. Tình đồng hương sâu thăm thẳm, cao vời vợi, đầy tràn chan chứa.

 

Hôm nay con nghe Luca kể chuyện Thầy về thăm quê hương Nadarét mà ngậm ngùi xót thương. Thầy tới nguyện đường cũng như con đến nhà thờ. Thầy đọc Sách Thánh, rồi thì giảng. Con cũng vậy. Nhưng thầy bị la ó, hăm dọa và xém bị bỏ mạng. Tại sao nên nông nỗi ấy?

 

Có người cho rằng Luca hư cấu chuyện Thầy bị đồng hương đòi giết để chuẩn bị tinh thần độc giả đón nhận những đau khổ mà Thầy sắp phải đương đầu. Đây là những lý do được việc dẫn:

 

1. Matthêu và Máccô kết thúc câu chuyện ở chỗ bà con xầm xì, chế giễu Thầy, còn Thầy thì chỉ chữa vài bệnh nhân, rồi không hài lòng về niềm tin của đồng hương. Tuyệt nhiên không đá động gì đến thái độ cực đoan của người Nadarét (Mt 13, 53-58); (Mc 6, 1-6).

 

 

2. Địa hình Nadarét ngày nay không hề có ngọn núi cao và không hề có vực thẳm như Luca kể.

 

 

3. Đồng bào với nhau, đồng hương với nhau, thì cùng lắm là giận, là ghét, là khinh … chứ đâu đến nỗi gì mà đòi giết nhau.

 

4. Nếu có tội đáng chết, thì cũng phải do tòa xét xử và luận tội. Thế mà Luca lại kể rằng quần chúng tự động lôi Thầy lên đỉnh núi để xô Thầy xuống vực. Như vậy là phi lý, là vi phạm luật và không thể xảy ra.

 

Thầy kính mến,

 

Con không đồng ý với những lý luận trên. Con có lý luận của con, để khẳng định rằng câu chuyện Luca kể là có thật, chứ không hư cấu.

 

1. Nếu bảo Matthêu hư cấu chuyện, thì có lý, vì ông viết sử với tư cách là nhà Thần học, hơn là với tư cách một sử gia. Còn Luca vẫn được coi là sử gia chân chính, thì không nên gán cho ông cái phong cách của người hư cấu chuyện lịch sử.

 

2. Địa hình ngày nay của Nadarét quả thật không giống với địa hình của Nadarét mà Luca kể. Điều đó không có gì là lạ, vì qua 2000 năm một ngọn núi có thể mất đi và một vực thẳm có thể không còn nữa. Chính thiên nhiên và con người đã làm thay đổi địa hình của trái dất để hôm nay không giống hôm qua và sẽ không giống ngày mai.

 

3. Thường thì đồng hương không nỡ tâm giết đồng hương.

 

Nhưng đồng hương Nadarét thì quyết tâm giết Thầy thật. Tại sao? Vì Thầy đã phạm những lầm lỗi mà họ không thể tha thứ được. Đồng hương của Thầy có truyền thống khinh dễ và hận thù ngoại bang. Tác giả Thánh vịnh 79 ghét người ngoại ngay trong lời cầu nguyện:

 

 “Gốc nho ấy Chúa bứng từ Ai Cập

Đuổi chư dân đi lấy chổ mà trồng …”

 

 Tác giả Thánh vịnh 3 và 11 xin Chúa xẻo môi, cắt lưỡi, đánh vỡ mặt và bẻ gãy răng kẻ thù. Kẻ thù của dân tộc là “chư dân”.

 

Tác giả Thánh vịnh 67 sung sướng khi Chúa cho mình được thấy chó liếm thây thù. Thù ấy là dân ngoại bang. Sứ ngôn Isaia mừng rỡ vì: “Ta khiến của cải chư dân chảy về (Thành đô) như thác về bờ (Is 66,12).

 

Rõ ràng người Do Thái nhân danh tín đồ, nhân danh công dân của Giavê để xác tín rằng mọi dân tộc trên Thế giới chỉ là những bậc thang đưa họ lên bằng bá quyền. Thế mà Thầy lại đề cao người ngoại hơn người Do Thái. Không phải chỉ đề cao một lần mà những hai lần. Hai lần ở đây và nhiều lần ở chỗ khác.

“Thiếu gì bà góa trong nước Israen, thế mà ông (Elia) không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xarépta miền Xiđôn”.

 

“Cũng vậy, vào thời Elisa, thiếu gì người phong hủi trong dân Israen, thế mà không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người Xyria mà thôi”.

 

Sau này, con còn thấy Thầy đề cao người ngoại thật nhiều. Thầy đã từng khen ông sĩ quan người ngoại ở Caphácnaum: “Tôi chưa thấy một niềm tin nào như thế trong dân tộc Israen (Lc 7,9). Một người cùi ở biên giới Galilê-Samari cũng được đề cao: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Tại sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có một người ngoại bang này (Lc 17,17-18).

(Lc 10,29-37); (Mt 20,1-16); (Mt 21,33-45).

 

Thầy kính mến. Thầy đề cao người ngoại như thế là Thầy đi ngược với truyền thống dân tộc, là nguyền rủa dân của Giavê, là đáng giết bỏ. Giết mà không cần xét xử, vì tội công khai trước mặt không phải hai người chứng mà là hàng trăm chứng nhân.

 

Con tự hỏi: Tại sao thầy bạo quá thế và liều lĩnh quá như vậy? Tại Thầy thương yêu người ngoại quá, quý mến người ngoại quá. Tại Thầy quyết tâm đập vỡ bức tường ngăn cách giữa “đạo” và “ngoại” đã tồn tại gần hai thiên niên kỷ.

 

Bức tường ấy đã sập. Tin Mừng cứu độ đã được công bố trên khắp năm châu. Thậm chí có một hướng dẫn viên du lịch An Độ đã nói với khách du lịch rằng: “Không còn một ngõ ngách nào mà người truyền giáo không đặt chân đến”.

 

Nhưng, thưa Thầy kính mến, Thầy yêu người “ngoại” đến thế và như thế. Vậy mà truyền giáo, các thừa sai của Thầy lại đang xây những bức tường ngăn cách khác, người “đạo” và người “ngoại” lại xa nhau. Xa nhau trong ý hệ, xa nhau trong tình cảm. Sự xa cách này được biểu lộ qua sách vở, qua ngôn ngữ thông thường và qua cả kinh kệ.

 

Cha Đắc Lộ đã gọi Đức Phật là “tên gian dối” (Phép giảng Tám ngày, Bài 4). Phải chờ đến Đức Phaolô VI, Đức Phật mới được gọi là “vị ân nhân vĩ đại của loài người” (Thông điệp Eclesiam Suam).

Trước năm 1952, các nhà thờ Việt Nam vẫn hằng ngày vang lên lời cầu: “ người ngoại sa xuống đầy dẫy hỏa ngục, thì ô danh Chúa tôi là dường nào”.

 

Những từ ngữ: “quân ngoại đạo”, “kẻ ngoại đạo”, “bụt, thần, ma quỷ” mới chỉ được xóa bỏ sau Vaticăng II.

 

Người “đạo” chết rồi cũng không muốn được chôn bên người “ngoại” trong nghĩa trang công cộng.

Xin Thầy trở lại, xin Thầy đập phá … để người “đạo” lại yêu người “ngoại” như thế và đến thế.

 

Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU

Mục lục